Quảng Cáo

header ads

MỘT SỐ CÁCH CỤC QUAN TRỌNG

 

TỬ PHỦ VŨ TƯỚNG LIÊM

Cách cục Tử Phủ Vũ Tướng là có đủ 4 sao này (Tử Vi, Thiên Phủ, Vũ Khúc, Thiên Tướng) ở trong 4 cung: Mệnh, Di, Tài, Quan.

Nếu cả 4 sao đều miếu vượng, sáng rực rỡ, không gặp Tuần, Triệt, không bị hung sát tinh thì thật tuyệt vời, được quyền quý giàu sang. Nhất là khi Vũ Khúc Thiên Phủ sáng đồng cung ở Tài Bạch – rất giàu có.

Độ quyền quý giàu sang sẽ giảm nếu một hay vài sao trong 4 sao này có độ sáng giảm, thành đắc, hoặc hãm, hoặc gặp Tuần, Triệt, …

Nếu không đủ 4 sao thì không coi là cách cục Tử Phủ Vũ Tướng.

CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG

Trong khi cách cục Tử Phủ Vũ Tướng (nếu sáng) là quyền quý giàu sang; cách cục Sát Phá Tham nếu sáng là “tướng”, “anh dũng"; thì cách cục Cơ Nguyệt Đồng Lương nếu sáng và có nhiều cát tinh hội hợp, không phạm hung sát tinh thì là cách cục của người có danh tiếng về lĩnh vực văn hóa, tinh thần, kiến thức, có thể gọi là danh nhân.

Còn nếu thiếu sáng thì sẽ là người hiền lành, bình thường, đi làm thuê hay nghề chuyên môn – thường liên quan đến văn hóa, kiến thức, tinh thần …thành tựu “danh tiếng” tỷ lệ thuận với độ sáng của bộ sao này.

Điểm chung của bộ này là người hiền lành, đề cao sự an toàn, hoặc say mê, tập trung và giỏi chuyên môn, không quá ham mê chức quyền, tài lộc, doanh thương.

SÁT PHÁ THAM

Cách cục Sát Phá Tham là cách cục “võ” nếu các sao này sáng; hoặc cách cục “gian” hoặc “bi đát” nếu các sao này hãm (sau khi đã xem xét sự thay đổi độ sáng nếu gặp Tuần, Triệt)

Thất Sát, Phá Quân, Tham Lang luôn tam hợp với nhau, nên có một sao ở Mệnh thì sẽ đủ cách cục Sát Phá Tham. Nếu các sao đều sáng thì cách cục này cũng khá tốt; tính cách nam tính, mạnh mẽ, dám nghĩ dám nói dám làm dám chịu trách nhiệm, quyết đoán, thẳng tính, ruột để ngoài da, cương trực, khẳng khái, không ăn hiếp ai nhưng không để ai lấn ép mình. Sự tốt xấu của Mệnh phụ thuộc nhiều vào độ sáng của sao.

Dù trường hợp nào thì cách cục này cũng mang tính chất “chiến đấu”, “tướng”, “anh hùng”, cuộc đời nhiều thăng trầm, phát trong thời loạn.

Càng nhiều sao hãm thì cách cục càng xấu nếu không được cứu giải như Tuần, Triệt và các sao phúc đức (cả chính tính cả phụ tinh): xấu tính tình, xấu bổn mạng.

Đặc biệt chỉ có cách cục Sát Phá Tham (tại Mệnh) mới có hạn Trúc La. Hạn Trúc La là người Sát Phá Tham khi đại hay tiểu hạn cũng có Sát Phá Tham. Nếu Sát Phá Tham sáng thì hạn Trúc La sẽ có những cơ hội, bước ngoặc cuộc đời tốt đẹp. Nếu Sát Phá Tham hãm thì hạn Trúc La này sẽ rất khốn khổ, gian nan, xấu, làm thay đổi cả cuộc đời.

CỰ NHẬT

Cự Nhật là cách cục khi cung mệnh và cung chiếu, 2 cung tam hợp có Cự Môn và Thái Dương (Nhật). Tính chất cơ bản của người Cự Nhật là phản đối, phản kháng, bất mãn có phần công khai, do ảnh hưởng tính chất của Cự Môn và Thái Dương.

Cự Môn là sao tài năng lý luận, phân tích; đồng thời cũng là sao thị phi, chủ bất mãn. Nếu Cự Môn hội Thái Dương sẽ làm tăng tính chất phản đối của nó. Nếu gặp Thái Dương đắc sẽ là sự phản đối chính trực và cương nghị, nên Cự Môn rất cần Thái Dương để tránh sự nghi ngờ, thị phi từ người khác.

Thái Dương, Cự Môn đồng cung tại cung Dần, Thân (Cung Dần tốt hơn cung Thân, vì Cự Môn và Thái Dương đều miếu vượng). Ưu điểm: tài vận vượng thịnh, có chí tiến thủ, có tài hùng biện, hết lòng với sự nghiệp công ích, cần phải gắng gỏi cần cù, có công mài sắt có ngày nên kim. Khuyết điểm: cần phải cạnh tranh mới giành được thành công, nên dễ vướng vào điều tiếng, thị phi, gặp sao Hóa Kỵ thị phi càng nhiều.

Cự Môn, Thái Dương tại cung Dần, cung tam phương tứ chính có các cát tinh như Lộc Tồn, Hóa Lộc, Hóa Khoa, Hóa Quyền, Tả Phụ, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Thiên Khôi, Thiên Việt gia hội là phù hợp với cách cục này. Cách cục này chủ về hiển đạt, nên theo nghiệp chính trị, có khả năng trở thành người nổi tiếng trong xã hội, được danh nhiều hơn lợi. Người sinh năm Canh, Tân, Quý mà không bị bốn sát tính gia hội là thượng cách. Tiếp đến là cung Thân, nếu cung tam phương không có sát tinh cũng không được toàn mỹ.

CỰ CƠ MÃO DẬU

Cự Môn là một Bắc đẩu tinh, thuộc hành Thủy. Có lẽ hành Thủy khiến cho Cự Môn trở nên uyển chuyển theo hoàn cảnh, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cự đắc địa đi với những võ tinh thì sẽ hỗ trợ cho võ tinh thêm mạnh mẽ để phát về võ nghiệp. Nếu đi với những sao văn tinh thì sẽ thành công trong lãnh vực văn học, nghệ thuật, nếu đi với những sao có khuynh hướng về kinh doanh thì sẽ trở thành những tay kinh doanh cự phách, và tương tự, khi đi với dâm tinh thì Cự rất buông thả.

Cự miếu địa ở Mão Dậu, vượng địa ở Tý Ngọ Dần, đắc địa ở Thân và Hợi, hãm ở Thìn Tuất Sửu Mùi, Tỵ. Mặc dù bị xếp hạng là ám tinh nhưng Cự miếu vượng thủ Mệnh là người thông minh và nhân hậu. Cự hãm thì thật sự đúng với biệt danh là ám tinh. Cự là cái miệng, của lời ăn tiếng nói… cho nên khi đắc địa thì khéo ăn nói, có tài hùng biện, có khả năng thuyết phục người. Nhưng nếu hãm thì lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu thận trọng dễ mất lòng người và dễ bị tai tiếng thị phi, đôi lúc còn đưa đến tai họa cũng vì cái miệng.

Với bản tính bất nhất như đã nói trên, may mắn cho Cự tại hai vị trí miếu địa Mão Dậu, ám tinh này gặp được thiện tinh Thiên Cơ, thuộc Nam đẩu tinh, hành Mộc. Thiên Cơ cũng góp một phần bản chất vào mẫu người doanh thương Cự Cơ Mão Dậu này. Thiên Cơ miếu ở Thìn Tuất Mão Dậu, vượng ở Tỵ, Thân, đắc ở Tí Ngọ Sửu, hãm ở Dần Hợi. Cơ là một phúc thiện tinh cho nên dù hãm cũng không hề mất hết thiện tính của mình. Khi đắc địa, Cơ chỉ sự khéo léo về tay chân, sáng suốt về trí óc, có mưu trí nhưng lại xử sự nhân từ và cởi mở. Nếu ở vị trí miếu vượng thì chủ về phú quý, phúc thọ, và đặc biệt là có năng khiếu về kinh doanh.

Như vậy, hai sao Cự Cơ cùng miếu tại Mão Dậu. Hành Thủy của Cự càng sinh vượng cho hành Mộc của Cơ, hơn nữa, cũng tại vị trí này, Cơ đặc biệt có năng khiếu về kinh doanh, cho nên Cự trở thành kẻ đồng hành rất tốt. Với bản tánh gan dạ, liều lĩnh, Cự hỗ trợ Cơ mạnh mẽ trong lãnh vực này. Người Cự Cơ Mão Dậu là người của thương trường. Trong khi người “Tham Vũ đồng hành” thường hoạt động trong lãnh vực kỹ nghệ chuyên môn thì người Cự Cơ Mão Dậu không chuyên về một lãnh vực nào cả, có thể là ngành hàng tiêu dùng, có thể là những sản phẩm về văn học nghệ thuật… Bản tính uyển chuyển của Cự, cho nên những sao đi kèm với Cự Cơ sẽ quyết định đương số sẽ kinh doanh trong lãnh vực nào.

Ví dụ: Mệnh ở Mão hay Dậu có Cự Cơ với Hổ Tuế Phù, thì đây là những người có năng khiếu về luật pháp, những nhà làm luật, những quan tòa hay những danh sư danh tiếng, và lãnh vực kinh doanh của họ sẽ liên quan đến luật.

Mệnh ở Mão Dậu có Cự Cơ thêm Xương Khúc, Khôi Việt, Khoa, Tấu là người có năng khiếu về văn học, nghệ thuật, cho nên khi vào đường kinh doanh thì lãnh vực hoạt động thường là những nhà xuất bản sách, báo chí, nhạc, hay phim…

Mệnh ở Mão Dậu có Cự Cơ thêm Tả Hữu, Lộc, Hình, Y, Quang, Quý là người kinh doanh trong y dược học. Nhỏ thì là phòng mạch, lớn thì là bệnh viện, viện bào chế dược phẩm…

Cách Cự Cơ Mão Dậu cũng chỉ mới là giới tiểu thương, nếu muốn kinh doanh với tầm vóc lớn thì phải có thêm Song Hao mới gọi là đắc cách Chúng Thủy Triều Đông, có nghĩa là tất cả các dòng sông đều chảy về hướng Đông. Song Hao (Đại Hao + Tiểu Hao) thuộc hành Thủy, lại được hành Kim của cung Dậu tương sinh, cho nên nguồn nước sẽ được dồi dào bất tận. Trong thiên nhiên, nước là biểu tượng của tiền bạc. Những dòng sông từ Dậu là phương Tây, chảy về Mão là phương Đông, khiến cho hành Mộc của Thiên Cơ được hưng thịnh, và đây mới đúng là tầm vóc của mẫu người kinh doanh Cự Cơ Mão Dậu ngộ Song Hao. Cũng vì thế mà Mệnh an tại Mão tốt hơn ở Dậu, tốt nhất đối với những tuổi Ất, Tân, Kỷ và Bính, những tuổi này sẽ đạt phú quý một cách dễ dàng hơn những tuổi khác.

Nếu Mệnh ở Dậu, thì đương số cũng là người kinh doanh mà trở nên giàu có, nhưng càng giàu thì tuổi thọ càng giảm.

“Song Hao Mão Dậu ái ngộ Cự Cơ, tối hiềm Hóa Lộc”: Song Hao ở Mão Dậu kỵ gặp Hóa Lộc không phải nguyên nhân chính là do sự sinh khắc của ngũ hành mà là do ý nghĩa của Song Hao mà ra: Hao là hao tốn, tiêu hao, với ý nghĩa đó cho nên Hóa Lộc, Lộc Tồn không nên gặp Hao, nếu gặp thì khác nào mang tiền thả trôi theo dòng nước. Tóm lại, Mệnh ở Mão Dậu có Cự Cơ Song Hao Hóa Lộc hay Lộc Tồn thì đương số cũng là ra tiền một cách dễ dàng, nhưng tiền vào tay mặt thì ra tay trái.

Đối với nữ phái, Mệnh ở Mão Dậu có Cự Cơ là người đàn bà có tay làm ăn buôn bán, trên thương trường không thua gì những đấng mày râu. Tuy nhiên, Cơ hiền lành không thể trói buộc nổi Cự với bản tánh liều lĩnh, phóng khoáng. Cự dù miếu vượng cũng có điều bất lợi cho phái nữ bởi vì Cự là cái miệng, là lời ăn tiếng nói, là khẩu thiệt thị phi, khắc khẩu, vợ chồng xa nhau thì thương nhớ, gần nhau thì cãi vã suốt ngày… Cho nên đàn bà có Cự thủ Mệnh hay Thân thì bên ngoài giỏi, tháo vát nhưng bên trong gia đạo thường vẫn có điều không ổn, ít nhiều hạnh phúc gia đình bị những đám mây đen của Cự lãng vãng đâu đó, một phần chính cũng vì đàn bà Cự Cơ Mão Dậu có khá nhiều tham vọng và khuynh hướng tình dục rất mạnh mẽ. Đó chính là nguyên nhân khiến cho Cự Môn phải mang danh là ám tinh. Với bản chất đặc biệt đó ta thấy có hai mẫu người đàn bà Cự Cơ Mão Dậu:

+Họ có thể che dấu hay dồn nén khuynh hướng tình dục của mình thành những tham vọng trên lãnh vực làm ăn kinh doanh của họ.

+Là người có cuộc sống buông thả, phóng khoáng. Và trên thương trường đây cũng là người đàn bà không thua kém ai, cả trong cuộc chơi, họ cũng là người dám bỏ ngàn vàng để mua lấy trận cười làm vui…

NHẬT NGUYỆT ĐỒNG LÂM

Người có Nhật thủ Mệnh là người rất năng động, có phần nóng nảy. Người có Nguyệt thủ Mệnh thường mang tính đa sầu, đa cảm. Nhật thuộc nam đẩu tinh, hành Hỏa, miếu địa ở Tỵ, Ngọ tức là mặt trời vào lúc giữa trưa, và vượng địa ở Dần, Mão, tức là mặt trời lúc bình minh. Ở 4 vị trí trên, Nhật chủ về sự thông minh, lòng nhân đức, tài và uy quyền.

Nhật rất hợp với người Dương Nam, Dương Nữ, và những người sinh vào ban ngày. Nguyệt thuộc bắc đẩu tinh, hành Thủy, miếu địa ở Dậu, Tuất, Hợi, là lúc mặt trăng tỏa sáng nửa đêm, vượng địa ở hai cung Thân (lúc trăng mới mọc), và Tí (lúc trăng sắp tàn). Ở những vị trí miếu vượng Nguyệt là sự nhân từ, tánh đa sầu, đa cảm và lãng mạn, có khiếu về văn chương, nghệ thuật, đồng thời Nguyệt cũng chủ sự giàu có về điền sản như nhà cửa, đất đai… Nguyệt đặc biệt phò trì cho người Âm Nam, Âm Nữ, những người mạng Mộc, Thủy, và người sinh vào ban đêm, nhất là sinh vào những đêm trăng tròn 15, 16 thì càng tuyệt hảo.

Trong cơ thể, Nhật Nguyệt tượng trưng cho đôi mắt. Trong gia đình, Nhật là ông, là cha, là chồng, Nguyệt là bà, là mẹ, là vợ… Điều này rất rõ khi cung hạn có Nhật hay Nguyệt tọa thủ thì những gì xảy ra trong hạn đó không những là cho chính bản thân của mình mà còn nói lên những sự việc xảy ra cho chồng, cho vợ, cha mẹ, ông bà của đương số nữa. Sự biểu tượng này cũng nói lên tình cảm hay sự gần gũi mật thiết trong cuộc sống giữa người con đối với cha hay mẹ. Chẳng hạn một người có Nhật thủ Mệnh thì người này chịu ảnh hưởng tánh tình của cha nhiều hơn, có thể sẽ nối nghiệp cha, hoặc có thể vì hoàn cảnh, đương số sẽ sống gần gũi và hợp với cha nhiều hơn là với mẹ.

Khi nói đến hai sao Nhật Nguyệt, khoa Tử Vi có một nguyên tắc mà chúng ta thường nghe là “Chính bất như chiếu” nghĩa là: Nhật Nguyệt chiếu Mệnh tốt hơn thủ Mệnh. Điều này nghĩ cũng hợp lý, rất thực tế: chẳng hạn như chúng ta đặt một ngọn đèn ngay trước mặt mà đọc sách thì ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt sẽ làm cho mắt bị chói và mau mỏi mệt hơn là để ngọn đèn chiếu lên chụp đèn, hay chiếu vào tường rồi phản chiếu vào trang sách.

Nhật Nguyệt chỉ đồng cung ở hai vị trí Sửu, Mùi gọi là Nhật Nguyệt Đồng Lâm. Nhật Nguyệt Đồng Lâm cũng giống như hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực. Khi Nhật Thực hay Nguyệt Thực thì mặt trăng che mặt trời hoặc mặt trời che mặt trăng, cho nên ánh sáng mờ mờ ảo ảo, ngày chẳng ra ngày, đêm cũng không giống đêm. Đó chính là nét đặc thù đầu tiên của mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm: “Những người bất hiển công danh, cũng vì Nhật Nguyệt đồng tranh Sửu Mùi”. Người Nhật Nguyệt Đồng Lâm có trí nhớ kém và thường hay có những quyết định lầm lẫn, mãi cho đến khi việc đã xong, quay mình nhìn lại thì mới thấy ân hận tại sao lúc đó mình làm như vậy. Người Nhật Nguyệt Đồng Lâm thần kinh dễ bị suy yếu, hay bị những chứng nhức đầu kinh niên, căng thẳng thần kinh, dễ bị xúc động, và chắc chắn một điều là hai mắt kém, có nhiều bệnh tật khi còn bé. Nữ mệnh Nhật Nguyệt Đồng Lâm mỗi lần có kinh nguyệt thường bị đau bụng dữ dội hơn những người khác và thường hay bị những chứng bệnh mà đông y gọi là bệnh khí huyết.

Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh không phải là một cách tốt trừ những trường hợp sau:

+Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh có Tuần án ngữ và được các văn tinh như Xương Khúc, Khôi Việt, Quang Quý, Thai Tọa, Đào Hồng Hỷ hội hợp thì trở nên tốt. Đây là số của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những người làm ngành truyền thông, hay là giới văn nghệ sĩ danh tiếng và có địa vị trong giới văn chương, nghệ thuật.

+Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh có Hóa Khoa, Hóa Lộc đồng cung hay xung chiếu, hay hợp chiếu thì lại trở nên tốt đẹp. Công danh sự nghiệp vững vàng, có quyền cao chức trọng trong xã hội.

Ngoài hai trường hợp trên, người Nhật Nguyệt Đồng Lâm thủ Mệnh ở Sửu/Mùi thì cuộc đời cũng được cơm no áo ấm nhưng đây là mẫu người bất đắc chí, có khả năng mà không gặp được thời vận điển hình như nhà thơ Tú Xương ngày xưa.

Cũng là Nhật Nguyệt đồng cung nhưng Nhật Nguyệt chiếu Mệnh tốt hơn thủ Mệnh. Nếu Mệnh an ở Sửu được Nhật Nguyệt đồng cung ở Mùi xung chiếu thì chắc chắn tốt hơn Nhật Nguyệt tọa thủ tại Mệnh. Tử Vi cũng có câu phú khẳng định điều này: “Nhật Nguyệt đồng Mùi, Mệnh an Sửu, hầu bá chi tài.” Trường hợp này nếu Mệnh có Tuần án ngữ để giữ ánh sáng của Nhật Nguyệt, và có Hóa Kỵ thủ Mệnh như vầng mây ngũ sắc làm tăng thêm độ sáng cho Nhật Nguyệt, được như vậy thì công danh phú quý càng rực rỡ và bền vững hơn.

Như vậy, khi nói đến mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm, ta phải phân biệt hai trường hợp: nếu Nhật Nguyệt đồng cung thủ Mệnh thì cuộc đời được mô tả khái quát như câu “Những người bất hiển công danh, cũng vì Nhật Nguyệt đồng tranh Sửu Mùi”; nếu Nhật Nguyệt đồng cung xung chiếu Mệnh thì công danh sự nghiệp chắc chắn sẽ trong tầm tay. Nhưng cho dù ở trường hợp nào thì mẫu người Nhật Nguyệt Đồng Lâm giống nhau ở chỗ mắt yếu, nhức đầu kinh niên, thần kinh dễ rối loạn, trí nhớ kém, phái nữ thường bị đau bụng dữ dội khi hành kinh. Năng khiếu nổi bật nhất của họ là văn chương và nghệ thuật.

MỆNH KHÔNG THÂN KIẾP, MỆNH KIẾP THÂN KHÔNG

Không Kiếp (viết tắt là KK) chủ sự hung hiểm, phá tán, bất hạnh, hoạnh phát - hoạnh phá. Đã mang danh là đại sát tinh cho nên những bệnh tật hay tai họa do KK mang đến chắc không nhẹ nhàng. Vấn đề chế giải tùy thuộc vào Phúc của mỗi người và xảy ra ở thời điểm nào trong cuộc đời: Không Kiếp cũng như Đào Hồng, càng về cuối cuộc đời thì càng tác hại nặng nề.

Không Kiếp thuộc hành Hỏa, đắc địa ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Tại Tỵ, Hợi thì KK đồng cung cho nên uy lực sẽ gấp đôi so với KK xung chiếu nhau ở hai cung Dần, Thân. Xét về ngũ hành thì KK tọa thủ tại cung Tỵ là tốt nhất vì sao và cung đồng hành (Hỏa), rồi đến cung Dần vì hành Mộc của cung sinh hành Hỏa của KK, làm cho uy lực của KK khá mạnh dù là đơn thủ.

Mệnh hay Thân có KK đắc địa tọa thủ cùng với những sao tốt là người kín đáo, thâm trầm, biết suy xét, có mưu trí và rất gan dạ. Người KK không được kiên nhẫn, khi không được như ý hay chỉ thất bại lần đầu là nản chí ngay, bỏ cuộc dễ dàng. Nếu KK đắc địa cùng những sao xấu tọa thủ ở Mệnh thì những đức tính thăng trầm, gan dạ sẽ biến đương số thành người thủ đoạn và dễ đi vào con đường tà đạo.

Nếu KK hãm thủ Mệnh cùng những sao tốt, bản tánh trở nên bất nhất, lúc chính, lúc tà, lúc tốt lúc xấu, vui buồn bất chợt khiến cho những người giao tiếp với đương số phải e dè.

Nếu KK hãm địa thủ Mệnh cùng với những sao xấu thì tánh tình nham hiểm, xảo quyệt, thủ đoạn, hung dữ, bạo ngược. Mệnh, Thân có KK đắc/hãm thường bị những chứng bệnh về da như mụt nhọt, ghẻ ngứa vì dị ứng, những chứng bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, hen suyễn, khó thở…

Không Kiếp như con dao hai lưỡi, càng cao danh vọng thì càng lắm đau thương nên đừng quá tin tưởng vào sự tốt đẹp của KK khi hai sao này đắc địa, hoặc có những sao khác kiềm chế. Đặc tính của KK là như vậy, trong cái tốt có ẩn tàng cái xấu, điều mà chúng ta nghĩ là may mắn thì đó cũng chính là mầm mống của tai họa trong nay mai. Bởi vậy cái quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, xem ra có vẻ thích hợp với mẫu người KK, cờ đến tay thì phất, có thì hưởng.

Vậy thì những sao nào có thể kiềm chế nổi hai đại sát tinh này? Nói chung, các văn tinh, sát tinh, quý tinh không đủ uy lực để chế ngự hai đại sát tinh này mà chỉ có những võ tinh như Sát Phá Liêm Tham đắc và Thiên Tướng miếu vượng là không sợ KK, cụ thể hơn là Phá Quân là thủ lĩnh, quản KK nên không ngại KK. Trói buộc được KK chỉ có Tuần Triệt. Trường hợp đặc biệt là các văn tinh chỉ có Nhật Nguyệt là không sợ các sao “không” như Thiên Không, Địa Không mà ngược lại, vì ý nghĩa chữ “không” đối với Nhật Nguyệt là một bầu trời xanh thẳm không gợn áng mây, là điều kiện lý tưởng cho Nhật Nguyệt tỏa sáng.

Đối với nữ, KK là hai sao bất hạnh cho đường tình duyên. Nữ mệnh có KK là người cao số, lúc thiếu thời thì tình duyên lận đận, khi lập gia đình thì khắc chồng, khắc con. Sự xung khắc nặng hay nhẹ thì vẫn tùy thuộc vào từng lá số và mỗi thời điểm trong cuộc đời, lúc còn trẻ, nhẹ thì sinh ly, giữa hay cuối đời, nặng thì tử biệt. Nổi bất hạnh của nữ mệnh có KK còn tùy thuộc vào những sao mà KK đi cùng, như Đào Hồng, Riêu Thai, Cự Kỵ, Tham Kỵ, gặp KK thì là cách hồng nhan bạc phận mà cũng có thể là bạc mệnh. Tình duyên trắc trở, việc cưới hỏi gặp nhiều trở ngại, làm kế, làm lẽ, hai ba đời chồng, bị chồng ruồng rẫy phụ bạc, hay bạo hành vì tai nạn hay vì tính lẳng lơ, buông thả mà thất trinh, thất tiết. Vì hoàn cảnh hay do mình tự chọn làm gái giang hồ v.v… đều là những nhịp cầu oan nghiệt mà người đàn bà gặp những cách vừa nêu trên sẽ phải bước qua. Tuy nhiên các tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi gặp KK thì cuộc đời cũng khá nhiều gian truân nhưng không đến nỗi tan tác hay trầm luân như những tuổi khác.

Tóm lại, người KK là mẫu người đa tài, đa năng, đa dạng và cũng đa truân, là mẫu người mà khi bước chân vào đời đã phải ở trong cái vòng tài mệnh tương đố của tạo hóa. Biệt lệ cho các tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì lại có sự ứng hợp, cho nên cuộc đời sẽ chiết giảm được rất nhiều những điều bất hạnh do Không Kiếp mang đến. Mức độ xấu của người KK tỷ lệ thuận với độ hãm của KK và của các sao khác ở Mệnh/Thân/Phúc.

MỆNH TUẦN THÂN TRIỆT, MỆNH TRIỆT THÂN TUẦN

Tuần Triệt không đảo ngược ý nghĩa của các sao trong vòng ảnh hưởng của chúng, mà chỉ giảm bớt những đặc tính tốt xấu của các sao, cụ thể là làm giảm cái tốt khi sao sáng, và làm giảm cái xấu khi sao tối. Triệt tác dụng mạnh lúc tiền vận, Tuần tác dụng mạnh lúc hậu vận.

Đối với người Mệnh Triệt Thân Tuần thì Thái Thứ Lang cho rằng Mệnh cần phải Vô Chính Diệu thì lúc về già mới được xứng ý toại lòng

Ảnh hưởng của Tuần Triệt ở mức độ nào còn tùy thuộc vào ý nghĩa của mỗi sao, hay ý nghĩa của một cách do nhiều sao hợp lại, chứ không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn như sao Thiên Hình, Thiên Mã, Thiên Tướng, Tướng Quân… dù đắc hay hãm cũng tối kỵ Triệt (cũng kỵ Tuần nhưng không bằng kỵ Triệt) hơn các sao khác bởi vì kiếm gãy, ngựa què, tướng mất đầu… thì tất nhiên là vô dụng, thậm chí còn nguy hại.

Tương tự, Thất Sát ở Dần Thân là người anh hùng một mình một kiếm, nhất hô bá ứng, nhưng gặp Triệt lại trở thành anh hùng gãy kiếm ở tiền vận. Ảnh hưởng của Tuần Triệt đối với chính tinh có tầm quan trọng hơn đối với các phụ tinh.

Không phải gặp Tuần, Triệt lúc nào cũng là xấu. Tuần Triệt đôi lúc còn đóng hai vai trò khác nhau, một thiện, một ác. Chẳng hạn nếu ba cung tam hợp, gọi là tam phương, bị nhiều sát tinh thủ hay hợp chiếu mà được Triệt đóng thì mọi sự hung hiểm cũng giảm đi rất nhiều. Ngược lại, bốn cung Mệnh, tài Quan, Di, gọi là Tứ Chính, dù có đắc cách tới đâu nhưng đã gặp Tuần thì cũng xem như bị phá hết: “Tam phương xung sát hạnh nhất Triệt nhi khả bằng. Tứ chính giao phù kỵ nhất không chi trực phá.”

Trường hợp cung Mệnh có Triệt thì ảnh hưởng của Triệt sẽ như thế nào? Cung Mệnh cũng như các cung khác thông thường có đủ sao xấu và tốt xen lẫn nhau. Có sao đắc địa, có sao hãm địa. Đối với những sao tốt đắc địa thủ Mệnh, đương số sẽ gặp sự bất lợi vì Triệt sẽ làm mất hết những ý nghĩa tốt đẹp của các sao này. Sự bất lợi sẽ xảy ra trong thời kỳ tiền vận của đương số, và sau đó khi uy lực của Triệt yếu dần thì sự tốt đẹp của các sao tốt sẽ được phục hồi ở một mức độ nào đó mà thôi chứ không thể nào được 100% như trường hợp không bị Triệt. Ngược lại, trong khoảng tiền vận thì đương số lại được một lợi điểm là, giả sử có những hung tinh hay sát tinh hãm thủ mệnh thì nhờ ảnh hưởng của Triệt mà đương số tránh được phần lớn những điều không tốt do các hung sát tinh gây nên. Nhưng từ trung vận trở lên, khi Triệt yếu dần, không còn đủ uy lực để trói buộc hung sát tinh nữa, và sự tốt xấu lúc đó tùy thuộc vào công lực của các sao tốt và sao xấu, bên nào mạnh thì chế ngự được bên đó.

Triệt đóng tại Mệnh thì tiền vận lao đao lận đận và dễ gặp hoàn cảnh mồ côi sớm. Trường hợp Triệt đóng tại cung Thân thì ảnh hưởng của Triệt không có gì đáng kể vì uy lực của Triệt mất dần trong khoảng trung vận và hậu vận, có thể xem Triệt như một áng mây, gây rắc rối trở ngại cho đương số những lúc khởi sự một việc gì mới mà thôi.

Trường hợp cung Mệnh có Tuần đóng thì tất cả những gì tốt đẹp do các sao tốt mang đến, cũng như những hung họa do hung sát tinh gây ra cho đương số đều giảm xuống ở mức trung bình, nhất là ở hậu vận. Muốn biết cuộc đời của đương số thế nào trong khoảng tiền vận thì chúng ta phải đặt cả tốt và xấu lên bàn cân. Thường người ta cho rằng Mệnh ứng với tiền vận, nhưng thật ra Mệnh vẫn là cái gốc của đời người, ảnh hưởng toàn cuộc đời, chỉ là ở hậu vận (sau 3x tuổi, x là con số của Cục, ví dụ Thổ ngũ Cục thì x = 5) thì xét thêm Thân. Như vậy, khi Tuần đóng ở Mệnh, thì sau 3x tuổi cung Mệnh vẫn còn bị Tuần chi phối.

Nếu Tuần đóng tại Thân thì vấn đề tốt xấu cũng tương tự như trên. Nếu có khác thì trong trường hợp này là Tuần chỉ chi phối trong khoảng thời gian trung vận và hậu vận mà thôi.

Nếu cả Tuần và Triệt cùng đóng ở cung Mệnh hay cung Thân thì thế nào? Mệnh có cả Tuần Triệt như một nhà tù có hai ông cai ngục. Ông chính là Triệt, ông phụ là Tuần. Hết khoảng thời gian của tiền vận khi Triệt về hưu thì cũng còn ông Tuần cai quản, chứ không hề nhà giam được bỏ ngỏ. Như vậy cả đời đều bị cản trở, cản trở cái tốt lẫn cái xấu. Vậy cuộc đời cứ bình bình.

Trường hợp Tuần đóng ở Mệnh và Triệt đóng ở Thân mà chúng ta thường nghe là mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay trường hợp Mệnh Triệt Thân Tuần, thì cuộc đời của hai mẫu người này như thế nào? Để có câu trả lời, cách tốt nhất là chúng ta để lên bàn cân từng phần một rồi cộng trừ các số thành với nhau để có đáp số cuối cùng. Mệnh có Tuần đóng, nếu Mệnh tốt thì mức độ chiết giảm do Tuần gây ra tương đối nhẹ nhàng, còn nếu cung Mệnh xấu, thì sự cứu vãn của Tuần cũng không được bao nhiêu. Qua trung vận và hậu vận thì ứng vào cung Thân. Nếu cung Thân tốt mà có Triệt đóng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đáng kể, có chăng chỉ là những trở ngại gây rắc rối lúc ban đầu mà thôi.

Trường hợp nếu cung Thân xấu thì Triệt ở đây cũng như người nộm dùng để dọa chim chứ không có năng lực gì đáng kể. Như vậy, nếu người Mệnh Tuần Thân Triệt mà có cung Thân tốt đẹp thì về già cuộc đời cũng đạt được nhiều mãn nguyện. Đối với trường hợp Mệnh Triệt Thân Tuần thì cũng tương tự. Mức độ tốt xấu của cung Mệnh sẽ bị chiết giảm nhiều hơn, và sự ảnh hưởng này chỉ xảy ra trong khoảng tiền vận mà thôi. Rồi từ đó cho đến hết cuộc đời, ảnh hưởng của sự tốt xấu trên cung Thân chỉ ở mức độ ôn hòa. Như vậy mẫu người Mệnh Triệt Thân Tuần thì thời gian thử thách nhất là thời thanh xuân, sau đó, nếu cung Thân tốt đẹp thì cuộc đời tương đối cũng được bình ổn.

Người Mệnh Thân Tuần Triệt, nếu cung Mệnh hay cung Thân Vô Chính Diệu mà có Tuần hay Triệt đóng thì tốt hơn. Hoặc là cung Mệnh vừa có cả Tuần lẫn Triệt vừa thêm hai sao Thiên Không và Địa Không, tùy theo có bao nhiêu sao Không, chúng ta gọi là cách Mệnh Vô Chính Diệu đắc nhị không, tam không hay tứ không, bạn xem ở cách Mệnh Vô Chính Diệu nói ở phần trên. Hoặc là nếu Tuần Triệt đóng tại Mệnh hay Thân mà hai cung này Vô Chính Diệu lại được Nhật Nguyệt hợp chiếu thì cũng rất tốt đẹp. Ngoài 2 cách này ra thì nhìn chung nếu cung Mệnh/Thân rất xấu mà có Tuần Triệt thì bớt xấu; còn nếu rất đẹp mà gặp Tuần + Triệt thì thôi rồi mất hết đẹp.

Triệt đóng Mệnh/Thân thì dễ “lưng trời gãy gánh”, bay lên thật cao rồi đùng một phát diều đứt dây, cắm đầu rơi xuống, có thể mệnh vong. Nếu không “lên cao” thì khi “té” cũng không đến nỗi té đau, tức đời cứ bình bình là tốt.

DỊCH THIÊN THỦ MỆNH/THÂN

Mệnh hay Thân có Thiên Mã tọa thủ gọi là cách Dịch Mã. Thiên Mã chỉ là một phụ tinh nhưng lại đóng những vai trò khá quan trọng trong một lá số. Có thể nói từ lá số của một bậc quân vương, một danh tướng, một thương gia, hay một người bình dân mà đến thời điểm nào đó trong cuộc đời tạo dựng được những công danh sự nghiệp cho mình thì hầu như lá số của họ không thể không có sự góp phần của Thiên Mã, lý do thật đơn giản vì Thiên Mã là biểu tượng của tài năng. Có sách cho rằng Thiên Mã thuộc hành Hỏa và trong 12 cung của lá số Thiên Mã chỉ đóng ở 4 cung là Dần, Thân, Tỵ, Hợi, và chỉ đắc địa ở hai cung Dần và Tỵ mà thôi. Cũng có sách cho rằng Thiên Mã có hành bằng hành của cung nó đóng. Thiên Mã là biểu tượng của chân tay, hoặc phương tiện di chuyển như xe cộ, tàu bay, tàu hỏa… Đặc tính chủ yếu của người Dịch Mã là tính năng động, tháo vác, đảm đang, quán xuyến, thích di chuyển, thích tranh cãi, hay thay cũ đổi mới…

Chữ “dịch” trong Dịch Mã là xê dịch, chuyển đổi, di chuyển, biến động… do đó cũng có người cho rằng hành của Thiên Mã thay đổi theo hành của cung mà Thiên Mã tọa thủ. Có nghĩa là, khi Mã tọa thủ ở Dần (hành Mộc) thì Mã ứng với người mạng Mộc và Hỏa. Ở cung Tỵ thì Mã có hành Hỏa và ứng cho người mạng Hỏa và Thổ. Khi ở cung Thân thì Thiên Mã có hành Kim và ứng với người mạng Kim và Thủy. Ở cung Hợi thì Thiên Mã có hành Thủy và ứng với người mạng Thủy và Mộc. Như vậy, khi hành của Thiên Mã ứng hợp với hành của Mệnh thì đương số là người có tài năng và có hoàn cảnh cơ hội để thi thố hết tài năng của mình. Còn ngược lại thì tuy có tài, có nghị lực nhưng cuộc đời lại không được những vận hội may mắn, không được đời biết đến khiến cho tài năng phải bị mai một như một kẻ sinh bất phùng thời.

+ Cách Phù Dư Mã: người có Mệnh an ở hai cung Dần Thân có Tử Phủ và Thiên Mã tọa thủ đồng cung gọi là cách Phù Dư Mã, là ngựa kéo xe cho Vua chỉ những người có tài năng, giữ những chức vụ cố vấn, phụ tá cho các cấp chỉ huy của một đơn vị quân đội, hay giám đốc của một cơ sở hành chánh, thương mại… Hoặc cũng có thể là những người không giữ một chức vụ gì chính thức nhưng ra đời thường được kề cận với những người có quyền thế trong xã hội.

+ Cách Thư Hùng Mã: người có Thiên Mã thủ Mệnh và có Nhật Nguyệt đồng cung hay hợp chiếu là cách Thư Hùng Mã. Một đôi ngựa tốt, chỉ người văn võ song toàn, nhưng cách này thường phát về văn nghiệp hơn là võ nghiệp. Đây là mẫu người có kiến thức sâu rộng, có trình độ học vấn, có năng khiếu về các ngành như ngoại giao, chính trị, văn học và nghệ thuật. Nếu đã đi vào những lãnh vực vừa nêu trên thì mẫu người Thư Hùng Mã này sẽ đạt được những công danh sự nghiệp một cách dễ dàng, và có người có thể thành công trên cả hai lĩnh vực cùng một lúc, chẳng hạn họ có thể là một nghệ sĩ nổi danh lại vừa giàu có nhờ làm thương mại.

+ Cách Chiết Tiễn, Lộc Mã Giao Trì: người có Thiên Mã gặp Lộc Tồn đồng cung là cách Chiết Tiễn, có nghĩa là bẻ roi đánh ngựa, giục ngựa lên đường, chỉ người có tài. Khởi sự làm gì cũng được may mắn thuận lợi. Nếu Thiên Mã ở Mệnh có Lộc Tồn ở Di xung chiếu thì đây là cách Lộc Mã Giao Trì, ngựa ăn cỏ trên cách đồng xanh, là người được vận hội may mắn, được thừa hưởng những công lao thành qủa của người khác làm. Và theo ý nghĩa của Lộc Tồn là lộc trời cho, nên cả hai cách vừa nêu trên cũng chỉ những người trở nên giàu có nhờ trúng số, hoặc được thừa hưởng tài sản của ông bà, cha mẹ để lại. Người có Lộc Mã mưu sự chuyện gì hãy nên mạnh dạn vì thường được may mắn.

+ Cách Chiến Mã: người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Hỏa hay Linh là Chiến Mã, ngựa xuất trận. Cách này chỉ người có tài năng là thường là phát về võ nghiệp nếu gặp một lá số tốt. Đây là số của những quân nhân được thăng cấp rất nhanh chóng. Cách Chiến Mã tiềm tàng những tai họa về chân tay như thương tật hay tàn khuyết nếu không có những cách hóa giải. Nếu đủ bộ Mã Hỏa Linh thì có thể tay chân bị tê bại từ nhỏ, hoặc bị bại liệt do các chứng bệnh khác đưa đến như bị tai biến mạch máu não, tiểu đường v.v…

+ Cách Mã Khốc Khách: người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Thiên Khốc, Điếu Khách là cách Mã Khốc Khách, có nghĩa là ngựa đeo lục lạc vàng, chỉ những người có tài năng, có danh tiếng trong một lãnh vực nào đó. Hạn gặp Mã Khốc Khách thì vận hội may mắn đã đến, là thời điểm mà danh tiếng của mình được người đời biết đến. Đối với một lá số trung bình thì đương số cũng gặp được những cơ hội may mắn như được cấp trên giao phó công việc và được tín nhiệm hay thăng thưởng do khả năng và thành quả tốt của mình.

+ Cách Phi Mã: người có Thiên Mã thủ Mệnh gặp Phi Liêm đồng cung hay xung chiếu gọi là cách Phi Mã, là ngựa có cánh bay như trong truyện thần thoại của Hy Lạp, ý nghĩa cũng tương tự như Mã Khốc Khách, chỉ người có tài năng và được nhiều may mắn, làm việc gì cũng thành chông dễ dàng và nhanh chóng. Hạn gặp Phi Mã là có sự thay đổi, hoặc di chuyển. Nếu khởi sự một điều gì trong hạn này thì chớ có ngần ngại vi Phi Mã đáo hạn là thời cơ đã đến. Người có cách Phi Mã thường thích hợp với những công việc đi đây đi đó, cuộc đời là những chuyến hành trình không dứt.

+ Cách Phù Thi Mã: Thiên Mã thủ Mệnh gặp Thiên Hình đồng cung là cách Phù Thi Mã, là ngựa kéo xe tang. Người có cách này suốt đời cực khổ, làm việc gì cũng khó khăn trắc trở, thành ít bại nhiều, và thường gặp toàn những chuyện xui xẻo, đau thương, buồn khổ, tang tóc triền miên. Hạn gặp Mã Hình thì phải hết sức thận trọng trong mọi việc, vì những gì sẽ đến trong thời gian này chỉ là những chuyện buồn hoặc ngoài sự mong đợi của mình.

+ Cách Mã Đà hay Chiết Túc Mã: Thiên Mã thủ Mệnh gặp Đà La đồng cung gọi là Mã Đà hay Chiết Túc Mã, tức là ngựa què, chỉ những người không được may mắn, hay gặp khó khăn trắc trở. Cuộc đời nhìn chung toàn là những lao đao lận đận. Cùng là một việc, người khác làm thì thuận lợi may mắn, mình làm thì khó khăn, trở ngại.

+ Cách Mã Tuyệt, Cùng Đồ Mã, Tử Mã: Thiên Mã thủ Mệnh gặp Tuyệt đồng cung gọi là Mã Tuyệt hay Cùng Đồ Mã, nghĩa là ngựa chạy đến đường cùng, chỉ người làm việc thường thất bại, cuộc đời thường lâm vào cảnh bế tắc. Tương tự nếu Mã thủ Mệnh gặp Tuần, Triệt gọi là Tử Mã, nghĩa là ngựa chết, ngựa vô dụng, ý nghĩa và tai họa còn nặng hơn Cùng Đồ Mã.

Những cách nói trên là chỉ bàn đến Thiên Mã và một vài sao. Để có thể khẳng định sự tốt xấu cần phải xem toàn diện lá số, đặc biệt các cung Mệnh, Thân, Phúc, Di, Tài, Quan rồi mới có thể khẳng định. Cần tránh trường hợp “thầy bói xem voi” tức chỉ dựa vào 1-2 yếu tố rồi “phán”, sẽ rất phiến diện, và rất có thể không đúng.

Thiên Mã còn có lưu tinh (sao lưu) khi xem hạn, đó cũng là ý nghĩa thứ ba của chữ “Dịch” khi gọi Thiên Mã là Dịch Mã. Khi xem hạn, nếu thấy Thiên Mã và Lưu Thiên Mã đồng cung, xung chiếu hay hợp chiếu thì những điều sau đây sẽ xảy đến trong vận hạn: mua xe, đổi xe, đổi chổ ở, đổi việc làm, đi du lịch… Có thể chỉ xảy ra một sự việc mà thôi, đặc biệt sự đổi thay liên quan đến lĩnh vực của cung đó, nhưng cũng rất có thể xảy ra hai sự việc cùng một lúc. Mức độ tốt xấu của sự việc còn tùy thuộc vào những sao chi phối trong hạn đó. Có thể là bị mất việc (không tốt) phải tìm việc khác. Cũng có thể vì được thăng chức nên phải giữ công việc khác (tốt). Và lưu Thiên Mã ở cung nào thì sẽ có thay đổi liên quan đến lĩnh vực đó, nếu có Thiên Mã cố định đồng cung, hội hợp hay xung chiếu thì càng khẳng định sự thay đổi hơn.

Tóm lại, chúng ta phải cân nhắc là hành của Thiên Mã và hành của bản Mệnh. Nếu cả hai cùng hành, hoặc hành của Mã sinh cho hành của bản Mệnh thì Mã này mới là Mã của mình; ngược lại nếu không đồng hành thì Mã này chỉ là cái bóng mà thôi. Người có Thiên Mã không hợp với bản Mệnh thì cũng là người có tài năng nhưng tánh tình rụt rè, nhút nhát, thiếu lòng tin, và không có ý chí phấn đấu để nắm lấy cơ hội, cho nên cuối cùng dễ trở thành bất đắc chí.

Với một lá số trung bình trở lên thì người Dịch Mã là người đa tài. Họ có nhiều năng khiếu nổi bật và có thể thành công trên nhiều lãnh vực khác nhau. Họ là những người năng động, thích sự đổi thay và sự “động” này làm cho họ thành công hơn.

ĐA TÀI ĐA NĂNG: TANG/HỔ THỦ MỆNH

Hai sao Tang Môn, Bạch Hổ là hai bại tinh trong nhóm lục bại. Tuy là hai bại tinh nhưng người Tang Hổ không phải là người bất tài vô tướng theo cái ý nghĩa mà chúng ta vừa nói đến, ngược lại, có rất nhiều người đã thành danh cũng nhờ vào hai sao Tang Hổ.

Tang Môn thuộc hành Mộc. Bạch Hổ thuộc hành Kim, cả hai đắc địa tại Dần Thân Mão Dậu. Hai sao này lúc nào cũng đi đôi với nhau ở vị trí xung chiếu. Tang Hổ đắc địa thủ mệnh là người gan dạ, cương quyết và ngay thẳng. Người Tang Hổ có đủ sự gan lì để thi gan cùng nghịch cảnh, có thể xem đây là khả năng Trời phú dành riêng cho họ vì cuộc đời của họ kể từ lúc lọt lòng mẹ đã đầy thử thách dành chờ sẵn rồi. Người Tang Hổ thường chịu cảnh mồ côi từ lúc còn bé, nếu không thì tuổi thơ ấu cũng phài chịu cảnh xa cha mẹ, gia đình ly tán, thiếu tình thương và sự đùm bọc của cha mẹ, anh chị. Phải chăng vì vậy mà người Tang Hổ luôn có một nét buồn sâu kín trên khuôn mặt, và nét buồn này sâu đậm nhất trong khoảng thời gian của tuổi thanh xuân tức là khoảng tiền vận rồi sau đó sẽ phai nhạt dần. Để bù trừ cho những bất hạnh đó, người có Tang Hổ đắc địa là người đa tài đa năng. Tuy tính tình cương quyết và đôi khi trở thành ương ngạnh nhưng họ là người quyền biến và có khả năng giải quyết công việc cho thích ứng với hoàn cảnh. Năng khiếu nổi bậc nhất của họ là sự suy luận và phán đoán rất sắc bén; có khả năng hùng biện cũng như khả năng thuyết phục người khác, vì vậy những lãnh vực về chính trị, ngoại giao và luật pháp đều là những sở trường của người Tang Hổ.

Tang Hổ hãm địa thủ mệnh thì cuộc đời luôn gặp nhiều nghịch cảnh đau thương, ngang trái. Nếu không làm những ngành nghề như cảnh sát, toà án, luật sư… thì dễ vướng vào vòng tù tội và tuổi thọ cũng ngắn ngủi. Về vấn đề bệnh tật, nói chung cả nam lẫn nữ, dù đắc hay hãm, người Tang Hổ thường hay bị đau ốm bệnh tật, nhất là những bệnh về xương, máu như cao huyết áp, mỡ trong máu… Riêng nữ mệnh thì nét mặt u sầu, chưa lập gia đình thì tình duyên trắc trở, lận đận, khi có gia đình rồi lại khắc chồng khắc con, nếu gặp thêm Thiên Riêu thì mức độ hình khắc có thể thành sát Phối; nếu lập gia đình muộn cũng có thể chế giải được phần nào. Nữ mệnh Tang Hổ thì vấn đề sinh nở thường hay gặp khó khăn, khi có con thì lại khổ vì con cái và dễ mắc những bệnh về các bộ phận sinh sản như tử cung, buồng trứng… Ngoài ra, người Tang Hổ, dù nam hay nữ, lúc còn trẻ không có tay nuôi súc vật, sau đó giảm dần.

Mệnh an tại Dần có Bạch Hổ là cách Hổ Cư Hổ Vị là cọp trong rừng sâu. Đây chỉ người có tài, có địa vị, quyền uy, và thường phát về võ nghiệp. Mệnh an tại Mão có Bạch Hổ là cách Hổ Xuất Sơn Lâm. Cung Mão thuộc phương đông, là thời gian của bình minh, là thời điểm bắt đầu của một ngày, ánh mặt trời vừa rực rỡ biểu tượng cho một vận hội tốt đẹp đang chờ đón. Cho nên người đắc cách này cuộc đời thường hay gặp được những may mắn đưa đến sự thành công dễ dàng. Bạch Hổ ở hai vị trí Mão Dậu còn gọi là cách “tứ phương củng phục anh hùng” chỉ người có khả năng lãnh đạo, thâu phục được anh hùng hào kiệt bốn phương.

Người mệnh an tại Dậu có Bạch Hổ là cách Hổ Khiếu Tây Phương. Cung Dậu thuộc phương Tây, là thời gian của hoàng hôn vì vậy có người cho rằng Bạch Hổ ở Dậu không tác hại vì đó là lúc cọp đã ăn no nên vào sâu trong rừng mà ngủ. Hai chữ Tây Phương còn có hàm ý là “cõi Phật”: Khiếu Tây Phương là hướng về phương Tây là lạy, cũng có nghĩa là có lòng hướng Phật. Người có cách này là người có tánh tình nhân hậu và thường có khuynh hướng tôn giáo mạnh mẽ. Chỉ nói riêng về lĩnh vực tâm linh thì người Bạch Hổ Khiếu Tây Phương có phần nào giống người Tử Tham Mão Dậu.

Trong hai sao Tang Hổ thì Hổ có tầm ảnh hưởng đáng kể hơn Tang, ví dụ Hổ đi với Tấu là Hổ mang hòm sách chỉ người có số khoa bảng, học rộng hiểu nhiều. Hổ gặp Phi Liêm (Phi Hổ) như Hổ mọc thêm cánh, cách này giống như Phi Mã, chỉ những người thường gặp được các vận hội may mắn đưa đến sự thành công rất dễ dàng trong cuộc đời. Hạn gặp Phi Hổ hay Phi Mã là vận may đang đến, nếu dự tính điều gì thì nên mạnh dạn xúc tiến, thi cử sẽ đỗ đạt, tìm việc làm sẽ được như ý, có việc rồi thì sẽ được thăng chức thăng lương…

Bạch Hổ là một trong Tứ Linh (Long Phượng Hổ Cái). Mệnh, Quan, Phúc, Di đắc Tứ Linh thì đường công danh thuận lợi và có địa vị trong xã hội. Bộ Tứ Linh cũng chế giải được phần nào những tai họa do các hung sát tinh gây ra. Hạn Tứ Linh tốt cho công danh.

Bạch Hổ và Thiên Hình hay Kình Dương đồng cung thủ Mệnh là cách “hổ hàm kiếm” (Hổ ngậm kiếm) chỉ người gan dạ, oai dũng, có tư cách và chí khí, nếu có thêm những võ tinh hội họp thì đường binh nghiệp sẽ phát rất nhanh.

Tang Hổ cũng có những sao lưu. Hạn có Tang Hổ, gặp Lưu Tang, Lưu Hổ là có tang trong hạn đó. Tang Hổ nhập hạn gặp Khốc Hư (lưu, và cố định) cũng cùng một ý nghĩa. Ngoài việc có tang, hạn gặp Tang Hổ cũng nên đề phòng tai nạn và bệnh tật, nhất là những chứng bệnh về máu huyết và bệnh về xương như đau khớp, rỗng xương… Đàn bà lúc có thai và sinh nở mà hạn gặp Tang Hổ cũng nên đề phòng việc sinh khó hoặc hư thai.

LƯNG TRỜI GÃY CÁNH: THIÊN KHÔNG MỆNH

Thiên Không rất đáng lưu ý khi giải đoán nhất là lúc xem hạn. Ngoài những ý nghĩa căn bản của một ác tinh Thiên Không còn mang nhiều sắc thái đối nghịch nhau rất lý thú mà chúng ta phải cân nhắc thận trọng khi giải đoán một lá số có Thiên Không thủ Mệnh để khỏi đi đến những kết luận sai lầm đáng tiếc.

Thiên Không thuộc hành Hỏa, đắc địa ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi và đó cũng là nơi đắc địa của Không Kiếp; tại những vị trí này Thiên Không sẽ có uy lực không kém gì Không Kiếp, và cũng như Không Kiếp, Thiên Không chủ sự phá tán, thất bại, gãy đổ nửa chừng. Người có Thiên Không hãm địa thủ mệnh thì tính xảo quyệt, chuyên dùng sự gian dối, thủ đoạn để ăn ở với người, để mưu sự với đời, nhưng rốt cuộc cũng không làm được việc gì ngoài những trò tiểu xảo hầu thủ lợi cho cá nhân mình, nhưng chung cuộc thì cũng tự hại mình mà thôi.

Người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh tính tình táo bạo, thăng trầm, túc trí đa mưu, thích toan tính những chuyện lớn lao, nhưng nếu không có những sao chế giải thì từ anh hùng trở thành gian hùng dễ như trở bàn tay. Bởi vậy, như đã nói ở trên, ý nghĩa lý thú của Thiên Không là chúng ta có thể ví người Thiên Không là người “nhị trùng bản ngã” (2 mặt). Trong con người Thiên Không có một người thiện, một người ác, có chính, có tà… Một lá số với cách cục tốt đẹp nào đó khiến chúng ta kết luận đương số là anh hùng, nhưng cẩn thận, anh hùng có thể là gian hùng nếu có thêm Thiên Không đồng thủ mệnh.

Đặc tính thứ nhì của Thiên Không hiểu theo triết lý nhà Phật thì Thiên Không còn có ý nghĩa “sắc sắc không không”. Cho nên, người có Thiên Không đắc địa thủ mệnh gần giống với mẫu người Tử Tham Mão Dậu, bẩm sinh từ lúc còn trẻ đã có khuynh hướng yếm thế, có những ý nghĩ và cuộc sống gần gũi với tôn giáo. Cái khổ của người Thiên Không là sự dằn vặt trong nội tâm bởi hai cánh tay của Thiên Không, một thiện một ác, một chánh một tà, một đời một đạo, lôi kéo, giằng co cả cuộc đời: “Mệnh tọa Thiên Không định xuất gia” có nghĩa lòng chỉ muốn xa lánh cõi đời, nhưng thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào những sao phối hợp mà chúng ta đề cập bên dưới.

Với lá số Thiên Không lại càng nên thận trọng hơn đối với hai sao Đào Hồng, là biểu tượng cho sắc đẹp, nghệ thuật và nhất là nữ. Cần phân biệt:

+Đối với nam, Thiên Không biểu tượng cho bản chất của đương số, và Đào Hoa là đối tượng đeo đuổi. Cho nên nam phái có Thiên Không và Đào Hoa ở mệnh là người đào hoa và biết dùng những ưu điểm trời phú cho mình như nhân dáng, lời ăn, tiếng nói ngọt ngào, địa vị, quyền thế… nói chung là dùng mọi khả năng quyến rũ của mình dễ lợi dụng đàn bà vào một mục đích nào đó. Nếu gặp thêm những sao như Phục Binh, Quan Phù, Quan Phủ… thì mức độ lợi dụng sẽ đi đến chuyện dụ dỗ, lừa gạt, phản bội trắng trợn.

+Đối với nữ, Đào Hoa là biểu tượng chính của đương số, là cánh hoa biết nói, còn Thiên Không là lửa trên trời. Đào Hoa gặp lửa thì làm sao không khô héo? Bởi vậy, nữ phái gặp cách này là người có nhan sắc nhưng lại không có duyên. Chữ duyên ở đây bao hàm cả hai ý nghĩa: sự duyên dáng và duyên phận. Hữu sắc vô hương, vì vậy mà Đào Hoa ngộ Thiên Không thì duyên kiếp phải bẽ bàng, chứ không hẳn có sức quyến rũ nam phái.

Mệnh có Thiên Không, Hồng Loan là người có tư cách thanh cao, thích an nhàn, ẩn dật, và khuynh hướng xa lánh trần tục rất rõ ràng.

Thiên Không thủ mệnh hay gặp sự thất bại, sự đổ gãy nửa chừng của người có. Sự gãy đổ này có thể xảy ra trên mọi lãnh vực từ công danh, sự nghiệp cho đến chuyện tình cảm gia đạo v.v… Bởi vậy, chúng ta có thể gọi người Thiên Không thủ Mệnh là mẫu người Bán Thiên Triết Sỉ (Lưng Trời Gãy Cánh).

Người có cách Tham Vũ Đồng Hành là người làm nên sự nghiệp từ thương trường, nhưng nếu mệnh có Thiên Không thì chắc chắn thì đương số ít nhất cũng phải một lần thất bại đau thương rồi mới làm nên sự nghiệp. Tùy theo mỗi lá số, có người đổ vỡ trên đường công danh, hay trên đường tình ái… việc tu hành cũng không phải là con đường nhẹ nhàng đối với những người đã có lòng thoát tục; nên cuối cùng họ đành chấp nhận cuộc sống nửa đời nửa đạo, hoặc là bỏ đạo trở lại với đời.

Khi Thiên Không nhập hạn: tốt nhất là khoanh tay ngồi yên, chớ mưu tính chuyện gì cho tốn công phí sức (dù có mưu cầu toan tính tới đâu thì cũng dang dở). Nếu gặp hạn xấu thì kết quả có thể còn tệ hại hơn, kể cả chuyện tán gia bại sản hay gia đình ly tán. Tác hại của Thiên Không sẽ nhẹ nhàng hơn đối với những người Mệnh Vô Chính Diệu (vốn đã là “không” nếu gặp thêm không nữa thì cũng không gì đáng ngại). Nhật Nguyệt thủ mệnh cũng không sợ Thiên Không vì hai vầng nhật nguyệt lại càng sáng dưới bầu trời không gợn áng mây. Hoặc Hóa Khoa đồng cung với Thiên Không cũng hạn chế cái “Không” của Thiên Không.

Người Thiên Không: cho dù hôm nay có làm nên công danh sự nghiệp, có quyền cao chức trọng, thì chung cuộc cũng hai bàn tay trắng, nếu có Hóa Khoa đồng cung thì không đến nỗi toàn “Không”.

Post a Comment

0 Comments