Bạn đã bao giờ tự hỏi “cuộc đời” nghĩa là gì? Làm sao
để định nghĩa được “cuộc đời”? Tại sao “cuộc đời” của mỗi người lại khác nhau?
Tại sao có người giàu hơn và người nghèo hơn? Tại sao có những người mà cuộc đời
họ không thể coi là hạnh phúc khi có rất nhiều tiền; lại có những người chỉ có
rất ít tiền lại sống an vui?
Theo quan điểm của cá nhân mình soi chiếu dưới góc độ
toán học, “cuộc đời” chính là một phương trình. Tự mỗi người định ra cho cuộc đời
mình một dạng phương trình riêng, không đồng nhất bậc cũng không đồng nhất số
lượng biến, hằng. Và càng không bao giờ đồng nhất với nhau về cách giải. Mỗi
người sẽ có một lời giải đáp rất riêng. Tất cả tạo nên sự đa dạng và muôn màu của
cuộc sống.
Nếu coi phương trình cuộc đời (PTCD) là phương trình bậc
nhất có 1 ẩn số, chúng ta sẽ hình thành nên công thức f(x) = ax + b.
Nếu coi phương trình cuộc đời (PTCD) là phương trình bậc
nhất có 2 ẩn số, chúng ta sẽ hình thành nên công thức f(x) = ax + by + c.
Nếu coi phương trình cuộc đời (PTCD) là phương trình bậc
hai có 1 ẩn số, chúng ta sẽ hình thành nên công thức f(x) = ax2 + bx + c.
Tuy nhiên, trong thực tế, PTCD là một dạng phương
trình mà ai cũng hiểu nó vô cùng phức tạp, có sự tham gia của vô số hằng, vô số
biến và không giới hạn số bậc.
Làm chủ cuộc đời chính là hành trình tìm kiếm lời giải
cho những phương trình vô định như vậy bằng cách đặt ra nhất nhiều giả thiết và
tìm kiếm sự có mặt của các biến số và hằng số.
Sự thành công trong cuộc đời của mỗi con người thường chỉ
đơn giản quy về 3 việc:
1) TÌM RA GIÁ TRỊ CUỐI CÙNG MÀ PHƯƠNG TRÌNH ĐẠT ĐƯỢC.
Đây chính là việc tự thiết lập mục tiêu và sứ mệnh của
mỗi người. Mục tiêu sứ mệnh của bạn có thể là “mua nhà sau 10 năm”, “trở thành
một bác sĩ giỏi”, “đi du lịch vòng quanh thế giới”, “phụng dưỡng cha mẹ”, “có một
gia đình hoàn mĩ”…
Như vậy, để có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc, chỉ
cần bản thân bạn tự thiết lập mục tiêu sứ mệnh cuộc sống của mình là “Bình yên
và hạnh phúc”. Sau đó, cụ thể hóa định nghĩa “Bình yên và hạnh phúc” ra thành
những giá trị cụ thể có thể cân đong đo đếm được. Ví dụ như có một căn hộ chung
cư; có một gia đình và 2 đứa con nhỏ; có đủ thời gian chăm sóc gia đình, phụng
dưỡng cha mẹ và có thể giúp đỡ một vài người khó khăn ở xung quanh.
2) TÌM RA CÁC HẰNG SỐ TRONG PHƯƠNG TRÌNH CUỘC ĐỜI
Giả như phương trình cuộc đời có dạng “f(x) = Bình yên
hạnh phúc = ax + by + c” thì a, b, c chính là các hằng số. Hằng số là những
“con số”, “chỉ số” giống nhau ở phương trình cuộc đời của mỗi con người mà
chúng ta – trong điều kiện tự nhiên và nhìn theo mặt bằng chung – không thể
thay đổi được.
Ví dụ “thời gian” là một hằng số quan trọng bậc nhất
trong phương trình cuộc đời của mỗi con người. Vì “thời gian” là một hằng số hữu
hạn. Mỗi người dù giàu hay nghèo, dù là nam hay nữ, dù 1 tuổi hay 100 tuổi đều
chỉ có đúng 24 giờ một ngày.
Ví dụ “cảm xúc” cũng là một hằng số. Vì ngoại trừ bạn
bị tâm thần, còn không thì bạn cũng như mình, như tất cả mọi người đều có những
cảm xúc vui, buồn, giận hờn, yêu, ghét, thất vọng, tự hào…
Ví dụ “niềm tin” cũng là một hằng số. Không ai có thể
chui vào trong suy nghĩ của chúng ta để ngăn cản chúng ta tin hay không tin vào
một điều gì đó. Tổng thống Trump nếu tin rằng nước có trên Sao Hỏa thì bạn cũng
có thể tin vào điều đó. Tỷ phú Jack Ma tin vào Chúa thì người ăn xin cũng có thể
tin vào Chúa. Chúng ta bình đẳng về niềm tin của mỗi cá nhân.
3) TÌM RA CÁC BIẾN SỐ TRONG PHƯƠNG TRÌNH CUỘC ĐỜI
Trong khi hằng số là một hữu hạn các thành tố không
thay đổi được, và giống hệt nhau ở mỗi người. Thì tương ứng với mỗi hằng số đó,
có một biến số hoặc tổ hợp biến số mà bạn có thể thay đổi được. Cuộc đời mỗi
người khác nhau do có những biến số mang giá trị khác nhau.
Ví dụ, nếu “thời gian” là hằng số quan trọng nhất
trong cuộc đời; thì tương ứng, chúng ta có biến số “Làm sao để học giỏi”, “Kỹ
năng quản ký thời gian” sẽ là quan trọng nhất, và cần được rèn luyện để đẩy lên
giá trị cao nhất.
Ví dụ, nếu “cảm xúc” là một hằng số; thì tương ứng,
chúng ta có biến số “Kỹ năng chế ngự và làm chủ cảm xúc” cũng là yếu tố cần được
rèn luyện để có giá trị cao.
Ví dụ, nếu “niềm tin” là một hằng số; thì tương ứng,
chúng ta có biến số “Kỹ năng tạo dựng niềm tin đúng đắn”, “Kỹ năng loại bỏ những
niềm tin sai lạc” hay “Ngôn ngữ lập trình tư duy”… là những yếu tố phải đạt giá
trị cao.
4) TÌM CÁCH TĂNG GIÁ TRỊ CÁC BIẾN SỐ TRONG PHƯƠNG
TRÌNH CUỘC ĐỜI LÊN CAO NHẤT CÓ THỂ
Có thể có khoảng vài chục cho đến cả trăm biến số để tạo
nên phương trình cuộc đời, và số lượng này khác nhau ở mỗi người. Nhưng đừng
hoang mang hay lo sợ, trong một xã hội mà ĐA SỐ mọi người đều được thụ hưởng một
nền giáo dục giống nhau, một môi trường sống giống nhau và những cách tư duy,
suy nghĩ giống nhau, thì chỉ cần bạn đẩy được một biến số BẤT KÌ lên giá trị
cao HƠN MẶT BẰNG CHUNG, thì bạn đã trở thành một người đặc biệt.
Tất nhiên là chúng ta phải đẩy nó lên bằng cách học tập, nghiên cứu và rèn luyện. Chúng
ta có thể học qua trường lớp, thầy cô, qua bạn bè và sách vở. Mỗi người có một
phương pháp học khác nhau. Cá nhân mình cho rằng, học qua sách vở là cách học đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện nhất.
Trong thực tế, mọi người đều đã đang thực hiện.
Để tránh bị ngụp lặn và mất phương hướng trong bể
thông tin, kiến thức vô tận của hàng trăm, hàng ngàn đầu sách “nổi tiếng” đang
có mặt ở khắp nơi. Nếu hiểu rằng biến số là phương cách giải quyết sự “bất biến”
của hằng số; thì rõ ràng khi số lượng hằng số là vô cùng hữu hạn thì số lượng
biến số cũng không thể có nhiều.
Như vậy, hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn cuốn sách
đang hiện hữu, cũng chỉ nói về một vài vấn đề nào đó mà thôi. Vì vậy đừng tham
lam mà cố đọc hết. Chỉ cần chọn ra MỘT
CUỐN DUY NHẤT mà bạn thấy DỄ ĐỌC và DỄ HIỂU nhất cho MỘT CHỦ ĐỀ – MỘT BIẾN SỐ –
MỘT HẰNG SỐ và nghiên cứu nó, chiêm nghiệm nó, ứng dụng nó và làm chủ nó.
Mình cam kết với các bạn rằng, sau khi đã làm chủ một biến số như vậy, bạn có
thể dễ dàng nhận ra tất cả các cuốn sách khác cũng chỉ đang nói về biến số đó,
dưới một khía cạnh, góc nhìn khác mà thôi. Vậy nên đừng phí thời gian vào việc
đọc hàng nghìn cuốn sách giống nhau. Vì thời gian chính là một trong những hằng
số quan trọng nhất của phương trình cuộc đời.
Cuối cùng, mình có thể cung cấp cho các bạn một số “hằng
số” và “biến số” bất biến mà các bạn có thể THAM KHẢO nhé:
Hằng số THỜI GIAN – Biến số Kỹ năng quản lý thời gian,
Nguyên lý 80/20, Nguyên lý Eat That Frog – để gấp đôi hiệu suất làm việc trong
thời gian hữu hạn
Hằng số NIỀM TIN – Biến số Kỹ năng hình dung tương lai
để thôi thúc hiện tại, Kỹ năng tạo dựng niềm tin đúng đắn, Kỹ năng thay đổi tiềm
thức bằng ngôn ngữ lập trình tư duy…
Hằng số CẢM XÚC – Biến số Kỹ năng làm chủ cảm xúc bản
thân, Kỹ năng Suy nghĩ tích cực để có thành công chủ động, Kỹ năng Giải tỏa
stress trong công việc và cuộc sống…
Còn bây giờ, khi đã thấu hiểu nguyên lý vận hành của
phương trình cuộc đời, chắc chắn mỗi người sẽ có một phương pháp riêng để đạt
được kết quả sau cùng là một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Tham khảo : nguyenngoclong.com
0 Comments