Làm thể nào để một người làm việc trong những lĩnh vực
dùng nhiều tri thức có thể duy trì một khả năng tập trung tư duy với hiệu suất
và cường độ cao, là câu hỏi thú vị mà tôi có dịp tìm hiểu trong những năm gần
đây. Khá nhiều lý thuyết đề cập đến việc này, nhưng tôi giới thiệu "Lý
thuyết dòng chảy ", vì nó giải thích khá tốt cho lĩnh vực mà tôi có dịp
quan sát được trong thời gian gần đây.
Hãy hình dung khi một bác sĩ ngoại khoa tập trung hoàn
toàn tâm trí (và cả cơ thể) vào một ca mổ phức tạp kéo dài có thể lên đến 12 giờ
liên tục. Trong suốt quá trình này tâm trí người bác sĩ này gần như tập trung
tuyệt đối vào xử lý các tình huống của ca mổ, không nghĩ đến bất cứ thứ gì
khác, ngay cả cảm giác đói. Tập trung với toàn bộ năng lượng, toàn bộ sức lực
và cảm thấy một sự hứng thú cao độ trong suốt quá trình tập trung này. ĐÓ LÀ TRẠNG
THÁI DÒNG CHẢY "STATE OF FLOW" của tâm trí con người.
Csíkszentmihályi đã quan sát trạng thái dòng chảy nhiều
năm, làm nhiều thực nghiệm và đưa ra kết luận rằng: hiệu quả làm việc sẽ đạt
cao nhất khi tâm trí con người duy trì được thường xuyên ở trạng thái dòng chảy.
Và đặc biệt khi đạt đến trạng thái dòng chảy là lúc con người chúng ta trải
nghiệm được trọn vẹn nhất khái niệm HẠNH PHÚC.
Khái niệm trạng thái dòng chảy của Csíkszentmihályi là
không mới. Nếu ai thích tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, "cảnh giới tối
cao" xuất hiện khi một hiệp khách luyện đến tuyệt đỉnh công cụ, thân tâm hợp
nhất, và sẽ phát huy sức một mạnh vô biên. Như khi Trương Vô Kỵ luyện đến tầng
thứ 7 của Càn Khôn Đại Nã Di hay Dương Quá với Ám Nhiên Tiêu Hồn chưởng.
Tuy nhiên làm sao để có được và duy trì được trạng
thái dòng chảy mới là đóng góp quan trọng của Csíkszentmihályi. Theo ông, trạng thái dòng chảy chỉ có được khi ta đạt được hai thứ cùng lúc đó là
sự thách thức trong công việc và một năng lực đủ để kiểm soát thách thức đó (vùng số 8 trên hình). Nếu hai thứ này không đạt cùng lúc thì
ta không có được trạng thái dòng chảy.
>> > Hàm ý cho sự tự nhận thức của bản thân
Trong cuộc sống mỗi người ta thường rơi vào các vùng
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7), nó dao động xung quanh các vị trí đó. Lúc ta cảm
thấy lo âu buồn bực, lúc ta cảm thấy nhàm chán, thỉnh thoảng ta cảm thấy tự
tin, hứng thú, kiểm soát được mọi chuyện...Cuộc sống, công việc càng phức tạp,
sự dao động diễn ra liên tục và không ít lần nó làm ta chao đảo, mất phương hướng.
Do đó bản lĩnh đầu tiên của con người là phải tự biết được một cách rõ ràng tâm
trạng của mình từ đó mới tự biết cách vượt qua nó, để cuối cùng là đạt được sự
tự tin.
Nếu tự cảm nhận ta đang rơi vào vùng (1) (2) (3), đó
là lúc bạn biết bạn cần phải trao dồi thêm kiến thức và kỹ năng - bồi tụ thêm
cho năng lực của mình.
Còn rơi vào vùng (4) (5) (6) (7) , đó là lúc ta cần có
1 công việc thách thức hơn.
Hãy trình bày một cách thẳng thắn điều đó với sếp của
mình.
>>> Hàm ý cho việc rèn luyện một khả năng
quan trọng trong năng lực lãnh đạo : khả năng ảnh hưởng đến người khác.
Năng lực lãnh đạo là khả năng làm cho cấp dưới toàn
tâm toàn ý, hết lòng cho công việc. Lãnh đạo không có nghĩa là ra những chỉ
tiêu, gia tăng những áp lực và ngồi đó chờ kết quả, cuối cùng là khen thưởng hoặc
xử phạt. Việc người lãnh đạo cần làm hơn nữa là quan sát xem cấp dưới mình đang
rơi vào vùng nào trong hình và đưa họ đến trạng thái dòng chảy. Người lãnh đạo
như vậy mới thu phục được nhân tâm. Từ đó dẫn dắt tổ chức phát triển.
Việc quan sát này không quá khó.
Nếu nhân viên của ta rơi vào vùng (1) (2) (3) nghĩa là
họ cần được tạo điều kiện hoặc cần được khuyến khích để học thêm, có thêm kiến
thức và kỹ năng.
Còn rơi vào vùng (4) (5) (6) (7), đó là lúc ta cần tạo
ra thêm những công việc thách thức hơn cho họ.
Lưu ý, công việc thách thức hơn không đồng nghĩa với vị
trí công việc cao hơn. Nhiều lãnh đạo đánh đồng việc này, hoặc nhận định sai
(không phải ai cũng muốn làm lãnh đạo), đã tạo ra một môi trường làm việc đầy
xung đột và thù địch. Gia tăng sự phức tạp cho chính trị nội bộ. Gián tiếp làm
suy yếu tổ chức.
0 Comments