Quảng Cáo

header ads

SAO THÁI DƯƠNG (NHẬT)

 

Miếu: Tỵ Ngọ. Vượng: Dần Mão Thìn. Đắc: Sửu Mùi. Hãm: Thân Dậu Tuất Hợi Tý.

Thái Dương đóng ở các cung ban ngày (từ Dần đến Ngọ) thì rất hợp vị. Đóng cung ban đêm (từ Thân đến Tý) thì u tối, cần có Tuần, Triệt, Thiên Không, Thiên Tài mới sáng.

Riêng tại Sửu, Mùi (đồng cung Thái Âm) cần có Tuần Triệt hay Hóa Kỵ mới thêm rực rỡ (ở Sửu tốt hơn ở Mùi, gặp Tuần tốt hơn gặp Triệt). Nhật chính vị ở các cung Dương, phù hợp với các tuổi Dương. Nhật phù trợ mạnh hơn cho những người sinh ban ngày, thích hợp cho những người mệnh Hỏa, mệnh Thổ và mệnh Mộc, hợp với trai hơn gái.

Ý nghĩa tính tình:

Sáng thì rất thông minh, thẳng thắn, cương trực; phụ nữ thì đoan chính, có tác dụng chế giải tính chất lả lơi hoa nguyệt của Đào, Hồng, Riêu, Thai và có giá trị như Tử, Phủ, Quang, Quý, Hình. Nếu được thêm các sao này hỗ trợ, mức độ ngay thẳng càng nhiều: đó là đàn bà đức hạnh, trung trinh, khí tiết, hiền lương; hơi nóng nảy, háo quyền, chuyên quyền; nhưng nhân hậu, từ thiện, hướng thượng, thích triết, đạo lý.

Tối thì kém thông minh, ương gàn, khắc nghiệt, nhân hậu, từ thiện, không cương nghị, không bền chí, chóng chán, nhất là ở hai cung Thân và Mùi (mặt trời sắp lặn), phái nữ thì đa sầu, đa cảm, thích đua chen, ganh tị.

Ý nghĩa công danh, tài lộc:

Sáng thì có uy quyền, địa vị lớn trong xã hội (quý), có khoa bảng cao, hay ít ra rất lịch lãm, biết nhiều hiểu rộng, có tài lộc vượng, giàu sang (phú). Thái Dương đóng ở Quan là tốt nhấ: đó là biểu tượng của quyền hành, uy tín, hậu thuẫn nhờ ở tài năng. Tối thì công danh trắc trở, khoa bảng dở dang, bất đắc chí, khó kiếm tiền, giảm thọ. Nếu Thái Dương hãm ở các cung dương (Thân, Tuất, Tý) thì không đến nỗi xấu xa, vẫn được no ấm, chỉ phải không giàu, không hiển đạt. Tuy nhiên, dù hãm địa mà Thái Dương được nhiều trung tinh hội tụ sáng sủa thì cũng được gia tăng tài, quan. Trường hợp Thái Dương ở Sửu Mùi gặp Tuần, Triệt án ngữ thì người này có phú quý như cách Thái Dương vượng hay miếu địa, nếu thêm Hóa Kỵ đồng cung thì càng rực rỡ (gặp Tuần tốt hơn gặp Triệt).

Ý nghĩa phúc thọ, tai họa:

Bệnh tật, tai họa chỉ có khi Thái Dương hãm địa hay Thái Dương bị nhiều sát tinh (Kình Đà Không Kiếp Riêu Hình Kỵ) xâm phạm dù là miếu địa. Ngoài ra, có thể bị: tật về mắt hay chân tay hay lên máu, mắc tai họa khủng khiếp, yểu tử, phải bỏ làng tha hương mới sống lâu được. Riêng phái nữ còn chịu thêm bất hạnh về gia đạo như: muộn lập gia đình, lấy lẽ, lấy kế, cô đơn, khắc chồng hại con.

Ý nghĩa cơ thể:

Nhật, Nguyệt là cặp mắt. Nhật chỉ mắt trái, Nguyệt chỉ mắt phải. Độ sáng của Nhật, Nguyệt quyết định độ sáng của mắt. Ngoài ra, Thái Dương tượng trưng cho trí tuệ, bộ óc, mức độ thông minh, đồng thời cũng chỉ thần kinh hệ. Càng sáng, Thái Dương biểu hiện cho thần kinh bén nhạy linh mẫn, tuy nhiên, hay căng thẳng. Thái Dương còn chỉ thận của nam phái, phần dương tính của đàn ông.

Ý nghĩa bệnh lý:

Sáng thì thần kinh bị ảnh hưởng vì ánh sáng mạnh của sao Thái Dương gây căng thẳng tinh thần, biểu lộ qua các trạng thái: sự ưu tư, lo âu quá mức, tính nhạy cảm quá mức, sự mất ngủ và các hậu quả, sự tăng áp huyết vì thần kinh. Đi với các sao Hỏa (Hỏa, Linh) hay đóng ở cung hỏa vượng (Thìn, Ngọ), có thể bị loạn thần kinh đi đến loạn trí. Điều này cũng xảy ra nếu Nhật hãm địa bị Tuần Triệt án ngữ.

Tối và không bị sát tinh xâm phạm thì trí tuệ kém linh mẫn, mắt kém. Nếu bị sát tinh xâm phạm thì bệnh trạng sẽ nặng hơn. Nhật Kình (hoặc Đà) Kỵ: đau mắt, tật mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị) có thể mù, kém thông minh. Nếu có thêm Hình, Kiếp Sát: có thể bị mổ mắt.

Nhật Nguyệt đồng cung (chỉ xảy ra ở cung Sửu, Mùi) thì dùng đóng ở cung nào (không phải Tật Ách) cũng có ý nghĩa đương số có bệnh về mắt, nhẹ nhất là cận thị.

Ý nghĩa của sao Thái Dương và một số sao khác:

Những bộ sao tốt:

-Nhật Đào Hồng Hỷ (tam minh): hiển đạt.

-Nhật Khoa Quyền Lộc (tam hóa): rất quý hiển, có khoa giáp + giàu có + quyền

-Nhật sáng Xương Khúc: lịch duyệt, bác học.

-Nhật sáng Hóa Kỵ: làm tốt thêm.

-Nhật Cự ở Dần: giàu sang hiển vinh ba đời

-Nhật (hay Nguyệt) Tam Hóa, Tả Hữu, Hồng, Khôi: lập kỳ công trong thời loạn

-Nhật, Tứ linh (Long, Phượng, Hổ, Cái) (không bị sát tinh): hiển hách trong thời bình.

 Những bộ sao xấu:

-Nhật hãm gặp sát tinh: trai trộm cướp, gái giang hồ, suốt đời lao khổ, bôn ba, nay đây mai đó.

-Nhật Riêu Đà Kỵ (tam ám): bất hiển công danh

-Nhật hãm gặp Tam Không: phú quý không bền

Ý nghĩa của sao Thái Dương ở các cung:

+Mệnh: cung Mệnh có Nhật sáng sủa tọa thủ rất tốt nhưng còn kém hơn cung Mệnh được Nhật sáng sủa hội chiếu với Nguyệt. Nếu giáp Nhật, Nguyệt sáng cũng phú hay quý. Đây chính là câu "chính bất như chiếu": có nghĩa là chiếu hay hội hợp Mệnh sẽ đẹp hơn cư Mệnh (điều này cũng áp dụng cho các cung khác, không chỉ riêng Mệnh).

+ Các cách tốt của Nhật, Nguyệt:

-Nhật ở Ngọ, Tỵ, Thìn, Mão (biểu tượng của Sấm Sét): tại đó Nhật sáng, đều tốt về nhiều phương diện.

-Mệnh ở Sửu được Nhật ở Tỵ, Nguyệt ở Dậu chiếu: phú quý tột bậc, phúc thọ song toàn, phò tá nguyên thủ.

-Mệnh ở Mùi được Nhật ở Mão, Nguyệt ở Hợi chiếu: ý nghĩa như trên

-Mệnh vô chính diệu được Nhật Nguyệt sáng sủa hội chiếu: người rất thông minh, học 1 biết 10, nếu có Tuần Triệt thủ mệnh thì càng rực rỡ hơn nữa.

-Mệnh ở Thìn có Nhật gặp Nguyệt ở Tuất xung chiếu hay ngược lại Mệnh ở Tuất có Nguyệt sáng đóng và Nhật sáng ở Thìn chiếu: suốt đời quý hiển, duy trì địa vị và tiền tài lâu dài.

-Mệnh ở Sửu hay Mùi ngộ Nhật Nguyệt, có Triệt hay Tuần: cũng rất rạng rỡ tài, danh, phúc thọ.

+ Các cách trung bình của Nhật Nguyệt:

-Mệnh ở Sửu Mùi gặp Nhật Nguyệt đồng cung, thiếu Tuần hay Triệt hay Hóa Kỵ: no cơm ấm áo nhưng không hiển đạt lắm.

-Mệnh có Nhật ở Hợi gặp Cự ở Tỵ xung chiếu: công danh tiền bạc trắc trở buổi đầu, về già mới khá.

+ Các cách xấu của Nhật, Nguyệt: nói chung là Nhật Nguyệt hãm địa là không đẹp.

-Nhật ở Mùi Thân: không bền chí, siêng năng buổi đầu về sau lười biếng, trễ nải, dở dang

-Nhật ở Tý: tài giỏi nhưng bất đắc chí (trừ ngoại lệ đối với tuổi Bính Đinh thì giàu sang tín nghĩa)

-Nhật Tuất Nguyệt Thìn: rất mờ ám. Cần gặp Tuần Triệt hay Thiên Không mới sáng sủa lại.

-Nhật Nguyệt hãm gặp sát tinh: trộm cướp, dâm đãng, lao khổ, bôn ba. Tuy nhiên cần xét thêm cung Phúc và các yếu tố khắc chế, cứu giải.

+Phụ:

-Nhật Nguyệt gặp Tuần Triệt: cha mẹ mất sớm

-Nhật Nguyệt đều sáng sủa: cha mẹ thọ

-Nhật sáng, Nguyệt mờ: mẹ mất trước cha. Nhật mờ, Nguyệt sáng: cha mất trước mẹ. Gặp Tuần, Triệt thì đảo ngược lại.

-Nhật Nguyệt cùng sáng: sinh ban ngày - mẹ mất trước, sinh ban đêm - cha mất trước. Gặp Tuần, Triệt thì đảo ngược lại.

-Nhật Nguyệt cùng mờ: sinh ban ngày - cha mất trước, sinh ban đêm - mẹ mất trước. Gặp Tuần, Triệt thì đảo ngược lại.

-Nhật Nguyệt đồng cung Sửu Mùi: không gặp Tuần, Triệt án ngữ: sinh ngày - mẹ mất trước, sinh đêm - cha mất trước; gặp Tuần, Triệt án ngữ: sinh ngày - cha mất trước, sinh đêm - mẹ mất trước.

+Phúc: Thái Dương nhập miếu được phúc thọ quí, tuổi thọ cao. Nếu hãm địa thì hay tự khiến bản thân bận rộn, thêm các hung sát tinh thì giảm phúc thọ, lại hay vất vả gian khổ. Đối với người nữ thì đây là mẫu người của sự nghiệp. Gặp Kình Dương, Hỏa Tinh thủ chiếu: không có chuyện gì nhưng vẫn ngược xuôi tất tả, hoặc vì chuyện của bạn bè mà bận rộn. Thái Dương, Cự Môn ở Dần, Thân, miếu vượng địa thì trẻ tuổi vất vả sau an nhàn, trong cái bận rộn mà sinh phúc. Thái Dương, Thiên Lương ở Thìn Tuất: có sở thích biếng nhác của bậc danh sĩ, hoặc tiêu hóa kém, chủ kiến rất mạnh, tự tìm bận rộn. Cung Mão thì phúc lộc song toàn, cung Dậu thì lao tâm khổ tứ nhưng vẫn khó khăn.

+Điền: đơn thủ tại Thìn, Tỵ, Ngọ: tổ nghiệp để lại rất lớn lao, nhưng về sau sa sút dần. Đơn thủ tại Tuất, Hợi, Tý: không có nhà đất, may mắn lắm về già mới có chút ít. Cự đồng cung tại Dần hoặc Lương đồng cung tại Mão: giữ vững được tổ nghiệp, về sau mua tậu thêm được nhiều nhà đất. Cự đồng cung tại Thân hoặc Lương đồng cung tại Dậu: buổi đầu phá tán tổ nghiệp, hay phải lìa bỏ tổ nghiệp, về già mới có nhà đất. nhưng rất ít. Nguyệt đồng cung: rất nhiều nhà đất, một phần là của tổ nghiệp để lại, còn một phần do tự tay tạo lập nên.

+Quan: Nhật sáng không phạm hung sát tinh Tuần Triệt thì rất tốt khi đóng ở cung Quan: có chức vụ cao; nếu lu mờ thì kém tốt; phạm hung sát tinh thì xấu.

+Nô: Nhật Nguyệt sáng: người dưới, tôi tớ lạm quyền. Nhật, Nguyệt hãm: tôi tớ ra vào luôn, không ai ở.

+Di: Nhật Nguyệt Tam Hóa: phú quý quyền uy, người ngoài hậu thuẫn kính nể, giúp đỡ, trọng dụng. Nhật Nguyệt sáng gặp Tả Hữu Đồng Tướng: được quý nhân trọng dụng, tín nhiệm.

+Tật: Nhật Nguyệt hãm gặp Đà Kỵ: mù mắt, què chân, khản tiếng.

+Tài: Nhật Nguyệt Tả Hữu Vượng: triệu phú. Nhật Nguyệt sáng sủa chiếu: rất giàu có.

+Tử: Nhật ở Tý: con cái xung khắc với cha mẹ. Nhật, Nguyệt, Thai: có con sinh đôi.

+Phu Thê:

-Nhật, Đồng, Quang, Mã, Nguyệt Đức: có vợ hiền thục

-Nhật, Nguyệt miếu địa: sớm có nhân duyên

-Nhật Xương Khúc: chồng làm quan văn. Nguyệt Xương Khúc: vợ học giỏi và giàu.

+Bào: Thái Dương sáng thì tốt, không phạm hung sát tinh Tuần Triệt thì tốt; ngược lại thì xấu. Tốt là anh em hòa thuận, hỗ trợ giúp đỡ nhau. Xấu là ngược lại.

+Hạn:

-Nhật sáng: hoạnh phát danh vọng, tài lộc. Nhật Cự: thăng chức.

-Nhật mờ: đau yếu ở 3 bộ phận của Thái Dương (mắt, thận hay bộ phận sinh dục của nam giới, thần kinh), hao tài, sức khỏe của cha/chồng suy kém. Nếu gặp thêm Tang, Đà, Kỵ nhất định là cha hay chồng chết.

-Nhật Long Trì: đau mắt

-Nhật Riêu Đà Kỵ: đau mắt nặng, ngoài ra còn có thể bị hao tài, mất chức.

-Nhật Kình Đà Linh Hỏa: mọi việc đều trắc trở, sức khỏe của cha hay chồng rất kém, đau mắt nặng

-Nhật Kỵ Hình ở Tý Hợi: mù, cha chết, đau mắt nặng.

-Nhật Nguyệt Không Kiếp chiếu mà Mệnh có Kình Đà: mù hai mắt

Xem thêm các Sao khác TẠI ĐÂY

Post a Comment

0 Comments