Quảng Cáo

header ads

TÌM HIỂU PHẬT PHÁP : BÁC BỎ hay CẢ TIN ?


Nhiều năm trước, tại một hội trường lớn có một vị học giả nói với mọi người rằng Phật là tuyệt đối không tồn tại.
Lúc mọi người muốn ông ta chứng minh lời mình nói là đúng, ông ta liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật:
– Đức Phật nếu quả thực người có linh, hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy giết chết ta đi, thì chúng tôi sẽ tin là người thực sự có tồn tại.
Ông ta cố ý lặng yên chờ mấy phút nữa, đương nhiên là Đức Phật không xuống để giết chết ông ta. Ông ta liền nhìn mọi người xung quanh và nói:
– Mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại.
Bất ngờ có một người phụ nữ nông thôn, trên đầu quấn một chiếc khăn, nói với ông ta:
– Tiên sinh, lý luận của ông rất cao minh, ông là một học giả uyên bác. Tôi chỉ là một phụ nữ nông thôn, không thể phản bác lại ông, chỉ muốn hỏi ông một câu hỏi ở trong tâm trí của tôi: Từ trước đến nay đã nhiều năm rồi, tôi luôn tin vào Phật, tin vào những lời dạy bảo của Phật và cảm thấy vô cùng thoải mái.
Bởi vì trong lòng luôn tràn ngập niềm tin vào Phật, điều đó đã đem lại cho tôi sự bình yên và hạnh phúc to lớn nhất. Tôi hỏi ông: Nếu như khi tôi chết, phát hiện rằng những gì tôi tin vào Đức Phật hết thảy đều không tồn tại, nhưng cả đời này của tôi đã tin vào Phật, vậy tôi sẽ bị tổn thất cái gì?
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu, cả hội trường yên lặng, người nghe cũng rất đồng ý với suy luận của người phụ nữ này, ngay cả vị học giả cũng thán phục suy nghĩ logic này. Ông thấp giọng trả lời:
– Phu nhân, ta nghĩ bà không bị tổn thất cái gì cả.
Người phụ nữ nông thôn lại nói với vị học giả:
– Cảm ơn câu trả lời của ông, trong tâm tôi có một thắc mắc, nếu khi mà ông chết, ông thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng sự thật, nhân quả, nghiệp báo, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật. Tôi muốn hỏi ông sẽ mất những gì?
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu và không nói được lời nào.
____________________
Vị học giả trong câu chuyện trên, không có được tinh thần khách quan của một nhà khoa học cần phải có, ông ta nói cái này không có, cái kia không đúng… bằng những lập luận rất trẻ con : Không thấy thì là không có. Vậy không lẽ trước khi Colombus tìm ra châu Mỹ vào năm 1492, thì có thể kết luận luôn là trước đó châu Mỹ không tồn tại sao ?
Cũng như nhiều người khác, chẳng phải nhà khoa học chân chính gì cả, nhưng lại hay tự phong cho mình là sứ giả của khoa học, ảo tưởng rằng “Ta đây biết hết !”, họ thường chẳng bỏ công ra nghiên cứu, tìm hiểu những chuyện xảy ra trong thực tế gì cả, mà vội vàng kết luận Phật Giáo là mê tín, là sai lầm bằng cái nhãn quan “biết tuốt” của mình. Trong khi Phật Pháp tồn tại hàng ngàn năm qua ở rất nhiều quốc gia, đã – đang và sẽ luôn chữa lành những căn bệnh, hóa giải những khó khăn, tiêu trừ những đau khổ cho hàng triệu, hàng tỉ người bằng những phương pháp đầy đủ cơ sở lập luận.
Nhiều người không đồng tình với cách lập luận của Phật Giáo, nhưng THỰC TẾ lại đồng tình. Đó, cái đó mới là quan trọng, một lí thuyết đúng thì nó sẽ có hiệu quả trong THỰC TẾ. Và bằng chứng về sự hiệu quả khi áp dụng Phật Pháp mà thực tế đã “đóng dấu” kiểm chứng là vô số.
Trái ngược hẳn với những “ nhà khoa học tự phong”, nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới - Albert Einstein, người xứng đáng đại diện cho tinh thần khoa học chân chính, luôn khách quan và cẩn thận, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng về Đạo Phật, ông đã tuyên bố rằng :
Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm khoa học cũng như vượt qua cả khoa học.
Thưa quý vị, suốt hàng ngàn năm lịch sử, hàng triệu, hàng tỉ người ở các nền văn minh khác nhau, đủ mọi tầng lớp khác nhau vẫn theo Đạo Phật, họ quý kính và tôn thờ Đức Phật, dù lẫn trong đó cũng có những người mê tín, xong đó chỉ là một bộ phận. Còn lại có rất nhiều bậc trí giả cao minh, học vấn uyên thâm, còn có cả những nhà khoa học thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, họ cũng theo Đạo Phật, vì sao ?
Vì rằng, họ đã tìm hiểu và thấy được giá trị lợi ích thiết thực của Phật pháp đối với đời sống con người và xã hội, thấy được những gì Đức Phật dạy là chân lý. Họ nhận thấy đạo Phật không đơn thuần là một tôn giáo với những giáo điều mang tính gượng ép, mà Phật Pháp còn bao trùm cả khoa học, triết học, đạo đức học, nghệ thuật sống…Họ thấy cả một chân trời mới mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài kinh điển Phật dạy.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người theo Phật vì hưởng ứng theo số đông hoặc vì noi theo truyền thống tổ tiên để lại, hoặc vì hoàn cảnh cuộc sống gặp trắc trở gì đó nên mới tìm đến của chùa, cốt để giải quyết khó khăn của mình.
Họ cũng đi chùa, cúng bái, lễ lạy, nhưng ít khi bận tâm đến giáo lí của Đức Phật. Thật là một điều đáng tiếc, vì thực ra như thế, họ mới chỉ đến được trước cửa Phật, chưa có vào được bên trong nhà của Như Lai, chưa biết đến những kho tàng quý giá mà Đức Phật để lại.
Chúng ta nên theo Phật, không chỉ dựa vào niềm tin, mà còn cần dựa vào trí tuệ, vì Đạo Phật là Đạo của chân lí, của sự thật, sự thật như thế nào, biết đúng như thế, không thêm, không bớt.
Không chỉ như thế, những sự thật mà Đức Phật dạy còn là con đường dẫn chúng ta đến những thành tựu tốt đẹp, đến an vui và hạnh phúc, vậy nên chúng ta gọi đó là chân lý.
Bằng chứng là Phật Pháp từ hàng ngàn năm qua, đã vượt qua danh giới của mọi lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa… soi sáng cho nhận thức của nhân loại.
Đạo Phật có mặt ở đâu, đều đem lại an lạc, hạnh phúc, xoa dịu những nỗi đau khổ cho con người, dù người đó ở nền văn hóa nào, màu da nào, giai cấp nào, trong hiện tại và tương lai, vẫn luôn là như vậy.
Nguồn :
https://www.facebook.com/groups/565482133571947/permalink/2297384990381644/