Đôi khi, chúng ta nghĩ những điều nhỏ nhặt là quá đỗi tầm
thường, nhưng không ngờ rằng theo thời gian trôi qua chúng có khi lại bị phóng
đại lên, và sẽ trở thành rắc rối lớn.
Thứ nhất, những điều nhỏ nhặt có thể thay đổi cuộc sống
của một con người, cũng có thể hủy hoại đi một con người
Khi tôi học trung học, các bạn cùng lớp rất thích nói một câu:
“Làm vậy thì ích gì chứ?”. Thật ra, nếu bạn để ý thì
sẽ thấy rằng mọi người đều không thích câu nói này. Thế nhưng, một tháng sau, hay một năm sau, ai biết chừng nó thật sự là ra
sao.
Tôi còn nhớ một bạn học dáng người không cao lắm, mỗi ngày vào
lúc trời tối thường tập ném bóng rổ tại sân tập, bị nhiều người cười đùa châm
chọc nói: “Làm vậy thì ích gì chứ?”. Rồi cuối cùng, bạn trở thành chủ lực của
đội bóng rổ của trường, được tuyển thẳng vào đội bóng của tỉnh, và hiện đang
đại diện cho tỉnh chơi bóng ở các giải đấu.
Một người khi có loại ý nghĩ này thì khoảng cách dẫn đến nhân
cách suy bại không còn bao xa. Bởi vì loại ý nghĩ như vậy có thể đẩy họ đến
trạng thái hoài nghi, không quan tâm đến bất kì điều gì, sẽ có những lời lẽ phê
phán chỉ trích người khác. Phương thức đơn giản nhất để hủy hoại một người khi
tuổi đời còn trẻ chính là đưa vào đầu và nuôi dưỡng tư tưởng “Làm vậy thì ích
gì chứ?”.
Thành công trong những việc lớn đều phụ thuộc
vào thái độ và hành động của bạn đối với những vấn đề nhỏ
Điều tương tự cũng xảy ra trong lớp học. Tôi thường hỏi các bạn
trong lớp “Từ này có nghĩa là gì?”. Có người trả lời được, cũng có người không
đáp lại được. Nếu để ý, bạn sẽ phát hiện có những người còn chẳng thèm nhìn tới
dáng vẻ của từ đó như thế nào và rồi sẽ nói: “Trả lời được thì còn đi học để
làm gì? Biết một chữ này rồi có thể thi qua sao? Không biết nó thì có sao đâu
chứ?”. Đúng vậy, nếu không biết được nó thì chẳng có sao.
Thế nhưng, bạn đã từng nghĩ đến chưa, nếu như vấn đề nào bạn
cũng đối xử như vậy thì sẽ ra sao? Nếu như cứ mỗi từng từ bạn đều xem thường
như thế? Nếu như mỗi từng chút kiến thức bạn cũng đều hành xử thế? Nếu như mỗi
từng việc nhỏ bạn cũng đều mang cái suy nghĩ đó?
Thì khi gặp chuyện đại sự, gặp phải bước ngoặt lớn, gặp đúng lúc
cần quyết định vận mệnh của bản thân, bạn thật sự cho rằng bạn sẽ vượt qua được
khi chính bạn trường kỳ nuôi dưỡng trong người sự khinh suất, chủ quan hay sao?
Người ta có thể dễ dàng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, cũng không
muốn vì những điều nhỏ nhặt mà yêu cầu quá cao. Lâu dần, khi đã có thói quen
như vậy, sẽ thật khó để phải chú ý đến nó. Rất nhiều người sẽ quên đi mà nói
“Làm vậy thì đã sao nào?”. Những điều nhỏ bé có thể dễ dàng trở thành những
điều lớn lao trong dòng sông dài của thời gian.
Cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ mỗi từng khoảnh khắc
của thời gian, thời gian lại chính là từ những điều nhỏ nhặt ghép thành. Tương
lai do mỗi từng ngày hôm nay mà dựng nên, bạn không thể không tin vào nhân quả.
Đặc biệt, khi bạn quyết định một chuyện đại sự, hãy nhớ rằng sự
thành bại của tất cả những chuyện vĩ đại trên đời này đều được quyết định bởi
cách hành xử của bạn trong mỗi từng điều nhỏ nhặt.
Bạn muốn trở thành người như thế nào thì nhất định nên để tâm
xem trọng mọi sự việc quanh cuộc sống hằng ngày của bản thân.
Tất nhiên, bạn có thể nói rằng, nếu lúc nào cũng cứ phải quan
tâm đến những điều nhỏ nhặt mỗi ngày, cuộc sống có phải sẽ quá mệt mỏi? Dĩ
nhiên là có mệt, nhưng nếu như bạn quen với nó rồi thì sẽ không cảm giác mệt
nữa.
Thứ hai, bạn có thể tự yêu cầu bản thân mình,
nhưng không cần thiết phải yêu cầu người khác
Có một lần, tôi cùng vài người bạn ngồi trò chuyện trong đại
sảnh khách sạn và nói đến chuyện của Tần Thủy Hoàng. Đang lúc chúng tôi sắp bắt
đầu câu chuyện, có người bạn hỏi một câu làm tôi phải nghẹn lời nhìn trân trối:
“Tần Thủy Hoàng là ai?”.
Người bạn này năm nay 31 tuổi, và sau đó chúng tôi phát hiện anh
ta thật sự đúng là không biết Tần Thủy Hoàng. Anh ta không thường đọc sách,
cũng không có học lịch sử, thậm chí cũng không hề xem tivi. Anh ta sống trong
thôn làng, mỗi ngày sống bằng nghề làm giày đi mưa để duy trì sinh hoạt.
Lúc đầu, mọi người đều chế giễu anh ta không biết Tần Thủy
Hoàng. Thế là anh ta nói: “Người không biết nhiều cũng không phải chỉ có mình
tôi!”. Sau đó tôi nghĩ, thực sự, những người kia không biết Tần Thủy Hoàng, cũng
không muốn đọc sách, không học lịch sử, chẳng cần phải suy ngẫm về tương lai.
Và họ cũng vẫn sống rất tốt, vẫn có thể trải qua niềm vui mỗi ngày!
Mỗi chúng ta cần phải học tập, cần đọc sách, nhưng không phải
yêu cầu mỗi người đều biết hết thảy mọi thứ. Có lẽ, anh bạn đó nguyện ý trở
thành một người như thế, không cần phải biết quá nhiều thứ, cuộc sống này cũng
vẫn có thể bước về phía trước đấy thôi, thì cũng có sao đâu?Cho nên, tất cả điều này, đều hoàn toàn phụ thuộc vào bạn muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai.
Hôm đó, người bạn thân của tôi hỏi: “Tại sao anh không nói
với anh bạn đó hãy đọc thêm sách về lịch sử, ít nhất cũng có thể nhận thức được
Tần Thủy Hoàng là ai chứ!”.
Tôi trả lời: “Tôi rất muốn nói, nhưng chuyện này không có quan
hệ gì với chúng ta đúng không?”.
Anh bạn ngẫm nghĩ: “Nhưng chúng ta sẽ không thể trở thành dạng
người như thế, đúng chứ?”.
Tôi nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ như thế”.
Nguồn : Internet
Xin chân thành Cám ơn Bạn đã quan tâm và
chúc Bạn luôn Vui vẻ.
0 Comments